(HNM) - Giải vô địch Đấu kiếm quốc gia năm 2015 đã kết thúc ngày 16-11, tại Hà Nội, cho thấy sự thống trị của đấu kiếm Hà Nội tại đấu trường trong nước. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Hànộimới, Chủ nhiệm CLB đấu kiếm Hà Nội Phùng Anh Tuấn khẳng định rằng các VĐV Hà Nội sẽ không dừng lại ở mục tiêu trong nước.
- Việc Hà Nội thường xuyên đứng đầu toàn đoàn ở Giải vô địch Đấu kiếm quốc gia cho thấy điều gì, thưa ông?
- Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả đứng đầu toàn đoàn của đấu kiếm Hà Nội ở các kỳ giải vô địch quốc gia. Hà Nội đi đầu trong việc phát triển môn đấu kiếm từ hơn 20 năm nay. Trong khoảng thời gian đó, đấu kiếm Hà Nội liên tục được đầu tư và nhờ đó, có được lực lượng HLV, VĐV dày dạn, luôn có sự kế thừa. Tất nhiên, nếu có truyền thống mà đầu tư không đến nơi đến chốn hoặc HLV, VĐV không tâm huyết với nghề thì cũng bằng không. Thực tế là trong vài năm qua, trong làng đấu kiếm Việt Nam, đấu kiếm TP Hồ Chí Minh là đơn vị được đầu tư mạnh mẽ về lực lượng. Tuy nhiên, do đầu tư trong thời gian ngắn nên đấu kiếm TP Hồ Chí Minh chỉ có thể tập trung vào một số nội dung.
Cho nên, nhìn nhận về vị thế hiện nay của đấu kiếm Hà Nội ở giải toàn quốc, chúng ta cần phải xét đến nhiều yếu tố, từ định hướng đầu tư đến thái độ làm nghề của các VĐV, HLV...
- Theo ông, dự một giải đấu quốc gia mà hầu như luôn chắc ngôi vô địch toàn đoàn, các VĐV Hà Nội có gặt hái được điều gì không?
- Ở mỗi giải đấu chúng tôi đều đặt ra mục tiêu với từng VĐV. Hơn nữa, không dễ để hoàn thành mục tiêu chuyên môn ở giải này khi trình độ của nhiều đoàn khác đã tăng đáng kể. Bởi vậy, tuy có trình độ nhỉnh hơn các VĐV bạn nhưng kinh nghiệm thi đấu tại giải này vẫn rất bổ ích đối với các VĐV Hà Nội, nhất là những VĐV còn thiếu kinh nghiệm thi đấu. Giải đấu quốc gia tạo đà cho chúng tôi tự tin bước vào các giải đấu quốc tế...
- Như vậy, có vẻ như đấu kiếm Hà Nội luôn hướng tới mục tiêu thi đấu tốt ở các giải quốc tế?
- Nói là tham vọng thì hơi quá nhưng đúng là chúng tôi luôn muốn đóng góp tối đa cho Đội tuyển Đấu kiếm Việt Nam dù còn vô số khó khăn khách quan lẫn chủ quan. Đó là một chặng đường dài và nhiều khó khăn bởi lịch sử hình thành, phát triển của đấu kiếm Hà Nội chưa là gì so với nhiều quốc gia khác ngay trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Singapore. Thái Lan phát triển đấu kiếm trước Việt Nam, đã có VĐV đoạt HCĐ Olympic 2000 và luôn đầu tư mạnh tay cho môn này. Còn ở châu lục thì những đội tuyển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ở đẳng cấp khác xa so với ta. Như ở Olympic 2012, Hàn Quốc, Trung Quốc cùng giành được 2 HCV trong khi môn thi chỉ có 10 bộ huy chương. Cách biệt so với đấu kiếm Việt Nam là rất lớn.
Dù vậy, trong điều kiện của mình, đấu kiếm Hà Nội cũng cố gắng cung cấp cho đội tuyển quốc gia những VĐV tốt nhất. Hiện tại, ở đội tuyển quốc gia, những Nguyễn Thị Lệ Dung, Vũ Thành An của Hà Nội đã trong diện được đầu tư mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu giành vé trực tiếp dự Olympic 2016. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng không phải là bất khả thi đối với hai VĐV này.
- Cảm ơn ông về nội dung trao đổi!
Trong ngày thi đấu cuối của Giải vô địch Đấu kiếm quốc gia 2015, đội Hà Nội đã giành HCV đồng đội kiếm chém nam - tấm HCV thứ 6 của các VĐV Thủ đô tại giải này. Trên bảng tổng sắp toàn đoàn, Hà Nội đứng đầu với 6 HCV, 4 HCB, 7 HCĐ; xếp thứ nhì là đội TP Hồ Chí Minh (2 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ), thứ ba là Hải Phòng (1 HCV, 2 HCB, 6 HCĐ).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.