(HNM) - Biết bao mồ hôi, xương máu của bộ đội, thanh niên xung phong đã hòa vào tuyến đường Trường Sơn để giữ cho huyết mạch giao thông thông suốt. Những hy sinh đó làm nên huyền thoại đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bám đường, bám trọng điểm
Mỗi dịp gặp nhau, Đại tá Thái Sầm, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn công binh 335 (Binh trạm 14) và đồng đội lại nhớ về những ngày tháng không thể nào quên ở tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời quân ngũ của Đại tá Thái Sầm là nhiệm vụ thông đường tại trọng điểm Chà Ang (Km12 đường 20 Quyết Thắng, thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình) vào tháng 8-1968.
Tuyến đường nằm chênh vênh giữa một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu sông Chà Ang, cộng thêm máy bay Mỹ đánh phá dữ dội, đất đá thường xuyên đổ xuống cản trở các xe vận tải hàng hóa chi viện đến biên giới Việt - Lào. Binh trạm 14 phải huy động lực lượng thanh niên xung phong gùi, thồ hàng hóa qua trọng điểm dưới mưa bom, trong vòng 1 tuần hy sinh 30 người. “Cái giá phải trả quá đắt, do đó, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559 đã trực tiếp điện cho chỉ huy Binh trạm 14 yêu cầu bằng mọi giá phải khai thông trọng điểm Chà Ang cho xe vận tải đi qua”, Đại tá Thái Sầm nhớ lại.
Tiểu đoàn công binh 335 được lệnh hành quân từ Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) ra khai thông trọng điểm. Đến nơi, đơn vị ngay lập tức bám đường 24/24 giờ, làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, khoan đá, dọn đất, không ngại hy sinh gian khổ, sau 5 ngày đêm thì đoạn đường được khai thông.
“Vẫy chào những đoàn xe nối đuôi nhau vượt qua trọng điểm Chà Ang, tôi cũng như đồng đội trào lên niềm vui sướng không thể tả hết. Bộ đội ta lại có thêm vũ khí, lương thực, xăng dầu để tiếp tục giáng những đòn chí tử vào quân thù”, Đại tá Thái Sầm xúc động nói.
Năm 1970, đơn vị của Thiếu tá Nguyễn Sỹ Thao, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7 công binh (thuộc Đoàn 559) được lệnh mở một con đường bí mật mang tên Đ70 dài gần 30km để phục vụ hậu cần cho Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Con đường này sát biên giới Việt - Lào, phần lớn luồn dưới những cánh rừng. Ban đêm, đơn vị mở đường đến đâu là phải ngụy trang ngay đến đấy để giữ bí mật trước những chiếc máy bay trinh sát của địch.
Một ngày cuối tháng 10-1970, máy bay B.57 của địch thả bom trên đèo Cô Bát (tỉnh Quảng Trị), để lại 2 hố sâu hơn hai mét, đường kính rộng gần năm mét ngay giữa đường. “Bình thường phải mất vài ngày mới lấp xong hai hố bom này, nhưng đơn vị chúng tôi nhận lệnh phải làm gấp trong vòng vài giờ để thông xe”, ông Thao nói. Sáng kiến bắc cầu cạn lóe lên trong đầu những chiến sĩ công binh. Ba đại đội của Tiểu đoàn 2 ngay lập tức ra mặt đường, quên ăn bữa tối, quên cả bom đạn đang nổ bên tai, nỗ lực hoàn thành cầu cạn đi qua hai hố bom trước 23h đêm. “Xe vận tải, xe kéo pháo đều đi qua cầu cạn thuận lợi, an toàn. Khi chiếc xe cuối cùng đi qua, chúng tôi ôm lấy nhau reo mừng thắng lợi”, ông Thao hào hứng kể.
Hết lòng vì tiền tuyến
Năm 1966, khi mới 15 tuổi, cựu chiến binh Lê Thị Vọng Hương (nguyên cán bộ thanh tra của Sở Y tế Hà Nội) đã tình nguyện nhập ngũ và được cử đi học sơ cấp quân y. Năm 1967, bà xung phong vào nhận công tác tại bệnh xá của Binh trạm 16 (tỉnh Quảng Bình). Chân ướt chân ráo đến bệnh xá, cô gái trẻ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội phải chứng kiến sự ác liệt của chiến tranh, cảnh đồng đội, đồng bào thương vong do bom đạn của kẻ thù mỗi ngày. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, bà Hương vẫn kiên quyết ở lại làm nhiệm vụ dù cấp trên thấy bà còn nhỏ nên định cho chuyển về tuyến sau công tác.
Làm việc ở bệnh xá phía Nam sông Long Đại, hằng ngày, bà cùng đồng đội có trách nhiệm hộ tống thương binh qua phà, bàn giao cho trạm chuyển thương phía bờ Bắc. Để ngăn chặn, không quân Mỹ đã rải nhiều thủy lôi, bom từ trường, bom nổ chậm xung quanh khu vực phà Long Đại.
“Mỗi chuyến phà tải thương qua sông thành công đều phải đánh đổi bằng máu của chiến sĩ quân y, thanh niên xung phong. Nhiều đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại dưới sông Long Đại”, bà Hương bùi ngùi kể.
Đến cuối năm 1967, bà tiếp tục cùng đơn vị di chuyển vào đóng quân tại Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Thời điểm đó, con đường vận tải gặp khó khăn do đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt nên lương thực, thực phẩm rất thiếu thốn. Tất cả lương thực của bệnh xá ưu tiên cho thương binh, còn các bác sĩ, y tá phải tự túc lương thực. Dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng tập thể cán bộ, y, bác sĩ vẫn hết lòng phục vụ thương, bệnh binh như chính người thân của mình.
“Dưới làn bom đạn của kẻ thù, chúng tôi không hề nao núng, bất kể thời gian nào thương binh chuyển đến bệnh xá, đều được cấp cứu kịp thời, góp phần giảm thương vong trước khi đưa về tuyến sau”, bà Hương cho biết.
Đối với cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Nhung (69 tuổi), khắc ghi lời căn dặn “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” của Bác Hồ, năm 1971, bà đã xung phong vào phục vụ hậu cần tại đơn vị xe vận tải thuộc Tiểu đoàn 68, Binh trạm 32.
“Hằng ngày, 2h sáng chúng tôi đã thức dậy nấu cơm để đúng 3h sáng là phải có cơm nóng cho chiến sĩ lái xe lên đường”, bà Nhung chia sẻ. Năm 1972, bà Nhung lại tiếp tục chuyển sang thực hiện nhiệm vụ công binh với tâm niệm “đường chờ xe chứ quyết tâm không để xe chờ đường”. Những lần lấy thân mình làm cọc tiêu cho xe vận tải đi qua là những kỷ niệm đáng nhớ nhất và luôn đi theo bà Nhung suốt cuộc đời.
Những chàng trai, cô gái trên đường Trường Sơn năm xưa, nay đều đã ở tuổi xưa nay hiếm. Mỗi lần gặp lại nhau, trong mỗi người đều trào dâng niềm xúc động, tự hào. Họ đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, hiến dâng tuổi thanh xuân cho tuyến đường huyết mạch chi viện chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù đất nước đã có nhiều đổi thay nhưng với họ, bầu nhiệt huyết thời thanh niên tất cả cho tiền tuyến vẫn vẹn nguyên, là động lực để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, đóng góp xây dựng Thủ đô, đất nước giàu đẹp, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.