Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ thị trường nội địa để vượt khó

Lam Giang| 22/08/2021 06:22

(HNM) - Khai thác thị trường trong nước là giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, những giải pháp đồng bộ tiếp tục được các bộ, ngành, doanh nghiệp triển khai, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững thị trường nội địa, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Lập “luồng xanh” là một trong những giải pháp giúp duy trì lưu thông hàng hóa nội địa, góp phần thúc đẩy sản xuất trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Trọng Hiếu

Tiếp đà tăng trưởng

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7-2021 của thành phố giảm so với cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song về tổng thể lũy kế 7 tháng năm 2021, tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ của thành phố đạt 1.720 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020. Còn theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước trong 7 tháng năm 2021 đạt 2.791,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng chiếm tỷ trọng lớn (81,3%) trong cơ cấu tổng mức bán lẻ và vẫn duy trì được mức tăng trưởng 3,2%. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy thị trường bán lẻ hàng hóa diễn ra thông suốt; đồng thời khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, giúp doanh nghiệp tìm được đầu ra để duy trì sản xuất.

Theo đại diện Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, 6 tháng đầu năm 2021 doanh thu toàn công ty tăng 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường nội địa luôn được giữ vững. Nhóm sản phẩm thông minh như bộ đèn LED M26.36, đèn đổi màu AT10, các loại đèn bàn và đèn ốp trần… của Rạng Đông hiện rất hút khách. Những ngày qua, công ty tập trung củng cố thị trường tại các tỉnh, thành phố không thực hiện giãn cách xã hội thông qua hội nghị khách hàng trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh đào tạo đại lý áp dụng công cụ bán hàng số.

Tương tự, Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam cũng đặt công tác phòng dịch lên trên hết đồng thời với các giải pháp thúc đẩy sản xuất, giữ ổn định thị trường. Công ty vẫn triển khai nhiều chương trình khuyến mại, hỗ trợ giảm giá và tăng chiết khấu cho đại lý... Ngoài ra, công ty tập trung tiếp thị qua các kênh trực tuyến như website, Facebook, Zalo để đẩy mạnh bán hàng với những khu vực thực hiện giãn cách xã hội. Giám đốc marketing Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam Trần Hiếu cho biết, một số dòng sản phẩm của Xuân Hòa vẫn đạt mức tăng trưởng cao, như doanh thu sản phẩm bàn học sinh tăng 103%, giường gấp tăng 120%...

Đồng bộ giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa

Từ tháng 6 đến nay, dịch bệnh bùng phát mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, buộc các tỉnh, thành phố này phải áp dụng các biện pháp phòng dịch cao nhất nên đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động thương mại. Từ nay đến cuối năm 2021, dịch Covid-19 vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi phải có giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Bên cạnh chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước, các chuyên gia cho rằng, những khu vực kiểm soát được dịch bệnh cần duy trì tốt sản xuất, đồng thời đẩy mạnh hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại trực tuyến. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh, các doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh. Mặt khác, doanh nghiệp cần chú trọng chuyển đổi số, thay đổi chiến lược quảng bá, tiếp thị và kinh doanh sang hình thức trực tuyến, tạo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong nước.

Thực tế, ngay cả khi dịch bệnh căng thẳng, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm duy trì lưu thông hàng hóa, như lập “luồng xanh”, cấp mã QR cho phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ, vừa bảo đảm kiểm soát lây lan dịch bệnh vừa tạo thuận lợi cho phương tiện qua các chốt phòng, chống dịch Covid-19. Tại Hà Nội, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT tiếp tục duy trì việc kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối với nhà sản xuất ở các tỉnh phía Bắc. Thành phố cũng bố trí phương tiện sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội và khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương đã thành lập tổ công tác thường trực tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa. Từ nay đến cuối năm 2021, Bộ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó khi có biến động bất thường, đồng thời tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Bộ cũng sẽ hỗ trợ các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước. Đẩy mạnh thương mại điện tử, như chương trình "Ngày mua sắm trực tuyến", "Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia"… cũng là hoạt động được bộ ưu tiên trong thời gian tới, nhằm mục tiêu giữ vững thị trường nội địa, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ thị trường nội địa để vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.