Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ nghề xưa trong căn nhà “hộp diêm”

Bảo Hân| 13/05/2023 06:41

(HNM) - “Thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống…” để “trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen bao đời của Hà Nội”. Những “đặc tính” mà nhà văn Nguyễn Việt Hà đã ưu ái khái quát cho một thế hệ sống cùng phố cổ cũng thật vừa vặn khi “áp” vào nhịp sống của bà Lê Thị Minh Tâm - người phụ nữ ở tuổi 79 đang gìn giữ nếp nhà, giữ nghề xưa trong căn nhà “hộp diêm” 130 tuổi trên phố Hàng Cân (quận Hoàn Kiếm).

Cửa hàng bán giấy của bà Lê Thị Minh Tâm tại số 42 phố Hàng Cân (quận Hoàn Kiếm).

Người phụ nữ đẹp tên, đẹp nết

Là con gái Hà Nội gốc, sinh ra ở làng Thịnh Hào (nay là phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa), bà Lê Thị Minh Tâm (sinh năm 1945) tự hào kể, nhà có tới 9 anh, chị, em, bà đứng thứ 6. Bà cùng các anh, chị, em của mình có một tuổi thơ cần mẫn việc đồng áng, ngày ngày không quản vất vả gánh nước, chăm bón gần 2 mẫu rau. Lên 10 tuổi, bà đã thoăn thoắt quăng lưới đánh cá ở ao nhà. Tấm ảnh chụp thời ấu thơ hai tay bê con cá chép nặng tới 5kg hay nhoẻn cười đứng cạnh chú chó béc giê phía ngoài căn nhà lụp xụp bà còn giữ.

Hòa với khát khao của lứa thanh niên Hà Nội ngày đó là được làm công nhân, năm 19 tuổi bà chọn học nghề. Đôi bàn tay tần tảo, lam lũ quen với đồng ruộng lúc này cũng thật khéo léo khi gắn với nghề sửa chữa máy quay phim tại một xí nghiệp thiết bị điện ảnh. Cũng tại xí nghiệp này, bà đã quen và nên duyên với chồng mình, người đàn ông sinh ra ở phố cổ trong một gia đình danh giá. Cuộc sống hạnh phúc, viên mãn của hai ông bà không kéo dài bao lâu khi ông qua đời ở tuổi 57, bà mới ngoài 40.

Không còn chỗ dựa vững chắc, từ năm 1992, bà Tâm cùng 3 con gái nhỏ rời khỏi gia đình bên ngoại để bắt đầu về sống ở nhà chồng, số 42 phố Hàng Cân. Ngôi nhà được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có diện tích 108m2 này hiện được coi là “báu vật” phố cổ với lối thiết kế độc đáo, vẫn được gọi là nhà “hộp diêm” bởi hai tầng như hai hộp diêm vuông vắn xếp chồng lên nhau, ở giữa có hai giếng trời lấy ánh sáng và trên cùng được lợp bởi mái ngói rêu phong cũ kỹ.

Giữ nếp nhà, bà ở vậy chăm sóc bố chồng cao tuổi, nuôi con thơ và thờ chồng đằng đẵng những năm tháng sau này. Bà Tâm không thể nhớ hết mình đã trải qua bao cơ cực trong vất vả, thiếu thốn và vẫn tự ví mình như con “dao pha” khi một mình có thể làm hết mọi việc từ nặng đến nhẹ. Khi có viên ngói trên mái bị xô do lũ mèo nhà hàng xóm mò sang chơi đùa, khiến trời mưa nhà dột hay máng thoát nước trên mái bị lá cây rụng nhiều gây tắc, bà leo lên sửa lại. Trong căn nhà cổ tuổi đời 130 năm vốn có nhiều hư hại, xuống cấp, bà vẫn tự mua vật liệu sửa sang để có thể ở mà vẫn giữ nguyên hồn cốt của “báu vật” này.

Ở tuổi 79, ngoài được trời phú cho sức khỏe tốt, hầu như chưa mắc các bệnh của người già, bà sống hoạt bát và minh mẫn. Dấu ấn của những khó khăn, gian khổ hay thời gian gần như không in lại trên nước da trắng hồng, gương mặt trái xoan tươi đẹp của bà Tâm. Bà tiết lộ bí quyết giữ sức khỏe không gì ngoài việc yêu lao động. Hằng ngày, bà vẫn luôn tay, luôn chân làm việc nhà, không phiền đến con cháu trong sinh hoạt cá nhân. Bà ăn vận thanh lịch, giản dị, thích tự nấu ăn cho con cháu mà ít khi ra hàng quán hay tự giặt quần áo bằng tay, tập thể dục đều đặn mỗi sáng và ăn uống điều độ hằng ngày, giữ lối sống chậm rãi, bình an, tránh xa những toan tính, âu lo…

Ích - An xưa và nay

Tấm biển “Ích - An”, dấu vết còn lại của cửa hiệu tạp hóa nổi tiếng một thời do ông nội chồng là cụ Trần Hữu Lập mở ra, cũng là người xây dựng căn nhà, treo ngay phía cửa ra vào là gợi ý để bà Tâm mở lại việc buôn bán, lấy kế sinh nhai cho 4 mẹ con. “Tháng 5 ông nhà tôi mất thì tháng 10 tôi bàn với gia đình cho mở lại cửa hàng. Nhưng khổ nỗi bán hàng gì cũng còn chưa biết. Mấy mẹ con may mắn được bà con cùng khu phố thương yêu chỉ giúp cho việc bán giấy. Thấy tôi lưng vốn không có để nhập hàng, hàng xóm góp cho mỗi người một ít để bày ra bán. Trong nhà lúc ấy chỉ có cái thùng sắt để nước vo gạo liền đem ra cắm giấy. Chiếc thùng ấy giờ vẫn đây này…!”, bà Tâm ứa nước mắt chỉ vào chiếc thùng sắt đã han gỉ nhưng vẫn làm tốt chức năng của mình suốt hơn 30 năm qua.

Cũng từ chiếc thùng ấy, ký ức về những ngày đầu tiên mở cửa hàng bán giấy ở ngôi nhà “hộp diêm” bỗng ùa về trong kí ức ấm áp thương yêu. Đó là những ngày bà được mọi người dạy cách cuốn giấy sao cho không bị rách tờ bên ngoài; hay chiếc tủ kính cũ được bà cụ cửa hàng Đồng Lợi cho. Chiếc tủ kính ấy giờ chỉ lau được mặt ngoài cho khỏi bám bụi, còn bên trong mỗi khi mở phải hết sức nhẹ tay bởi các tấm kính cũng gần long nhưng bà vẫn giữ như báu vật. Hoặc sau ngày mở hàng, bán được đôi ba cuộn giấy, hàng xóm đều sang chúc mừng mẹ con bà. Duyên may tiếp tục đến khi cuối năm 1992, một người phụ nữ ở Bắc Ninh đi qua, thấy cửa hàng bán giấy của bà còn nghèo nàn và khiêm tốn trong căn nhà đặc biệt liền ghé vào. Sau một hồi trò chuyện, cảm thông với hoàn cảnh của mấy mẹ con, “đầu mối” này liền để lại giấy dó để bà Tâm bán chỉ kèm điều kiện “bán hết thì trả vốn”. Cũng từ đó, “Ích - An” được biết đến là cửa hàng hiếm hoi bán giấy dó trên phố cổ.

Cho đến bây giờ, ngoài giấy dó, trong cửa hàng nhỏ của bà chỉ có thêm các loại giấy báo cũ, giấy bản và vẫn lưa thưa người mua. Lãi lời ít nên bà bảo từ khi mở cửa hàng vẫn “nghèo”. Bà cũng chỉ mong có thêm chút ít hỗ trợ các con chi tiêu mà không mong cầu sự giàu có. Thời gian gần đây, người con gái cả nhập cho bà thêm ít gốm sứ Bát Tràng và tranh Đông Hồ để túc tắc bán thêm cho du khách nước ngoài vẫn hay dừng chân, thích thú ngắm nghía ngôi nhà. Những xấp giấy dó nhuốm màu thời gian hay những tạo vật từ đất sét, từ dòng tranh dân gian nổi tiếng vô tình hòa quyện, hợp tình, hợp cảnh trong ngồi nhà “hộp diêm” không xô bồ giữa phố phường như góp thêm vào mảnh ký ức bán giấy một thời ở phố Hàng Cân. Dần dà, câu chuyện về ngôi nhà 130 tuổi trên phố cổ, về cửa hàng bán giấy dó giản dị của bà được nhiều người biết đến…

Trên con phố sầm uất bậc nhất giữa lòng phố cổ Hà thành, bà Tâm vẫn cần mẫn giữ nhịp sống chậm rãi, đơn sơ. Bà mãn nguyện và cảm nhận đủ sự “dư dả” khi nhận được tình yêu thương của con cháu, các anh, chị, em trong gia đình và đặc biệt là sự san sẻ, yêu thương của bà con khu phố. Với bà, đó mới là sự giàu có đáng gìn giữ để mỗi ngày ăn những bữa cơm dù đạm bạc nhưng ngon miệng, ngủ những giấc thật sâu bởi không nặng gánh mưu sinh kiếm sống mà giữ cho được nếp sống cùng căn nhà cổ với thứ nghề của ông cha, của cả khu phố, quyết không để mai một những “báu vật" còn lại giữa lòng “băm sáu phố phường”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ nghề xưa trong căn nhà “hộp diêm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.