(HNM) - Sau 20 năm định cư trên đất Ba Lan, một thế hệ trẻ em đang được các bậc cha mẹ chăm sóc và nuôi dưỡng bản sắc dân tộc thông qua nhiều hoạt động cộng đồng.
Đến chùa Thiên Phúc vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 vừa qua, chúng ta sẽ có cảm tưởng như vừa được tặng một chiếc vé đi về tuổi thơ, hòa nhập cùng các em bé Việt Nam chơi những trò chơi dân gian trên sân cỏ ngay phía trước Đền Hùng - tên ngôi nhà trong khuôn viên Chùa. Những người bạn Ba Lan cũng đưa con đến để khám phá một nền văn hóa khác đang được duy trì và phát triển trên mảnh đất Ba Lan hiền hòa.
Tổ chức vui chơi cho con em người Việt tại chùa Thiên Phúc. |
Từ nhiều ngày trước khi diễn ra sự kiện, bà Bùi Thị Vân, đại diện ban tổ chức đã đi mời các nhà văn hóa ở trong vùng và chuẩn bị hơn 100 phần quà cho các cháu. Một thành viên trong ban tổ chức, anh Nguyễn Quốc Phương cho biết: "Việc làm của mình là muốn tạo sân chơi cho các cháu, để giữ gìn phong tục tập quán và văn hóa của người Việt Nam trên đất Ba Lan này". Là phụ huynh cũng có con đang ở độ tuổi thiếu nhi, anh Phương hiểu rằng, các cháu ở Châu Âu không có nhiều cơ hội để tiếp xúc và làm quen với văn hóa Việt Nam. Vì thế, ban tổ chức đã thiết kế gần 20 trò chơi dân gian cho các cháu, từ ô ăn quan cho đến hái hoa dân chủ, với những câu hỏi về đất nước và con người Việt Nam. Các em bé đến chùa Thiên Phúc chơi trong Ngày Quốc tế thiếu nhi đặc biệt hứng thú với trò bịt mắt đập niêu mà ban tổ chức đã thay niêu bằng quả bóng. Hoạt động cho trẻ em luôn là câu chuyện được quan tâm kể từ ngày chùa Thiên Phúc được tái xây dựng gần khu kinh doanh mới của người Việt ở Wólka Kosowska, ngoại ô phía nam thủ đô Vacsava.
Ngày Quốc tế thiếu nhi năm nay ở chùa Thiên Phúc nằm trong một chuỗi sự kiện cho trẻ em được tổ chức tại thủ đô Vacsava của Ba Lan. Trẻ em gốc Việt nay đã trở thành một hình ảnh thường gặp ở các trường học của Ba Lan và nổi tiếng với thái độ tự giác học tập, sớm trở thành phiên dịch tiếng Ba Lan cho chính bố mẹ mình và tự lập trong con đường học vấn.
Đặc biệt khu Raszyn, nơi học sinh Việt Nam chiếm đa số, nhà trường còn tổ chức Tết Việt Nam cho trẻ em trong vùng đến chung vui. Trong Ngày Quốc tế thiếu nhi thì buổi lễ ở trường được kết hợp với nhà văn hóa để trở thành một ngày lễ thực sự của thiếu nhi quốc tế. Năm nay ở đây còn tổ chức giải bóng đá cho trẻ em của nhiều quốc gia, nhiều dân tộc tham gia. Đội bóng của các em Việt Nam cũng được phụ huynh và bạn bè đến cổ vũ nồng nhiệt.
Song song với việc buôn bán kinh doanh để kiếm sống, việc tổ chức trại hè và gặp mặt cho các em như vừa qua cũng được các bậc phụ huynh rất quan tâm, nhằm duy trì tiếng Việt, văn hóa Việt và xây dựng một cộng đồng phát triển. Chùa Thiên Phúc vốn do một nhóm người Việt đã có quan hệ quen biết cùng tôn giáo tín ngưỡng hưng công xây dựng từ hơn 10 năm qua. Các hoạt động cộng đồng của phật tử ở đây mang tính hướng ngoại, phục vụ chung cho cả cộng đồng người Việt lẫn người Ba Lan trong khu vực. Người Việt ở Ba Lan thường đem con em đến chùa tham gia hoạt động cộng đồng, bên cạnh những công trình kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc như tượng đài Hồ Chí Minh, Đền Hùng, Phủ Mẫu... giúp các em nhỏ có điều kiện vui chơi trong không gian Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.