Với tác phẩm thơ múa “Nàng Mây” lấy cảm hứng và chất liệu từ nghề mây tre đan của Việt Nam, biên đạo múa Nguyễn Hải Trường đã giành giải Vàng Liên hoan múa quốc tế năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, tại Thừa Thiên - Huế cuối tháng 8 vừa qua.
Tác phẩm cũng tô đậm hướng sáng tạo của biên đạo trẻ này trên con đường nghệ thuật - kể câu chuyện về đời sống văn hóa Việt bằng múa đương đại.
Vở thơ múa “Nàng Mây” khai thác câu chuyện về làng nghề mây tre đan truyền thống Việt Nam. Với ngôn ngữ múa dân gian kết hợp với múa đương đại, tác phẩm đem đến cho người xem về khung cảnh đời sống văn hóa Việt, vẻ đẹp của sự lao động hăng say tại các làng nghề. Ở đó, có những con người khéo léo, bền bỉ, mộc mạc và không kém phần tài hoa, tinh tế, đang gìn giữ nghề truyền thống.
“Nàng Mây” sử dụng chất liệu mây tre làm đạo cụ chính, tạo hình đa dạng, giàu sức gợi, kết hợp với chuyển động uyển chuyển, duyên dáng của diễn viên tạo nên những màn trình diễn bắt mắt. Đặc biệt, các diễn viên tham gia biểu diễn đều dưới 23 tuổi đã đem năng lượng và tư duy trẻ tràn ngập tác phẩm. Âm nhạc trong vở diễn đậm âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời có giao thoa nét tươi mới của âm nhạc đương đại, khá bắt tai khán giả.
Biên đạo múa Nguyễn Hải Trường chia sẻ, anh ấp ủ ý tưởng thực hiện vở múa “Nàng Mây” từ gần một năm trước, khi ngắm nhìn các nghệ nhân thực hiện những sản phẩm mây tre đan đẹp mắt, hữu dụng từ những thanh mây, tre giản đơn. Để có chất liệu sáng tác, biên đạo Nguyễn Hải Trường đã dành nhiều thời gian đến với các làng nghề mây tre đan lâu đời tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế… cũng như đến các vùng khai thác nguyên liệu, tìm hiểu phong tục, tập quán và văn hóa của làng nghề, trực tiếp cảm nhận công việc gian truân, tỉ mỉ và không kém phần nghệ thuật của những người làm nghề. “Thông qua các tác phẩm múa, tôi muốn đưa lịch sử dân tộc, văn hóa truyền thống đến với giới trẻ, thu hút và truyền cảm hứng để họ tìm hiểu và yêu hơn những giá trị của dân tộc”, biên đạo múa Nguyễn Hải Trường tâm sự.
Về tác phẩm thơ múa “Nàng Mây”, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Công Nhạc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan múa quốc tế 2024 đánh giá, tác phẩm đã khai thác chất liệu múa dân gian của các dân tộc, đồng thời kết hợp tinh tế với múa hiện đại. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc và múa góp phần đem lại sự đột phá cho tác phẩm, đạt chất lượng nghệ thuật cao. Tại liên hoan, ngoài giải Vàng chính thức cho tác phẩm, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam còn trao Nguyễn Hải Trường giải Biên đạo múa xuất sắc, Lương Thị Hà Nhi giải Diễn viên xuất sắc.
Sinh năm 1989, tại Quảng Trị - mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, từ nhỏ, cậu bé Hải Trường đã yêu thích văn hóa dân tộc và mơ ước làm nghệ thuật. Phải đến năm 18 tuổi, Nguyễn Hải Trường mới bước chân vào học múa khi trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Múa là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi phải khổ luyện từ sớm và trong thời gian dài. Do vậy, dù có năng khiếu nhưng ở tuổi trưởng thành mới bắt đầu học múa, Hải Trường gặp rất nhiều khó khăn để theo kịp các bạn. Sau 4 năm học tập, anh đã chọn học biên đạo múa tại trường và nhận thấy đây mới chính là con đường phù hợp, phát huy được khả năng của bản thân.
Gắn bó với nghề 12 năm qua, Nguyễn Hải Trường dần hình thành lối đi riêng trong nghệ thuật múa, với những sáng tác múa đương đại lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa dân tộc. Bên cạnh tác phẩm “Nàng Mây”, biên đạo múa Nguyễn Hải Trường còn ghi dấu ấn với các tác phẩm như “Côn Đảo ngày trở về” - giải B Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2020-2025; “Lễ bỏ mả” - giải A cuộc thi Tác phẩm múa các dân tộc thiểu số Việt Nam (2016); “Một ngày trên bản” - giải C Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (2017); “Cuội già” - giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc (2019)…
Với “Nàng Mây”, biên đạo Nguyễn Hải Trường ấp ủ dự định phát triển thành dự án quy mô hơn, kết hợp múa và các loại hình nghệ thuật khác biểu diễn phục vụ du khách nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.