(HNM) - Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng thành phố Hà Nội, trong năm 2022, sản lượng hành khách đi xe buýt đạt 340 triệu lượt người, chỉ bằng 60% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, một lượng lớn hành khách đi xe buýt đã chuyển sang sử dụng các phương tiện cá nhân.
Nguyên nhân là chất lượng dịch vụ xe buýt chưa bảo đảm, chưa đủ hấp dẫn hành khách.
Về chủ quan, thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ chưa đúng mực, thậm chí gây phản cảm với hành khách. Số lượng phương tiện cũ còn nhiều, số xe có thời gian sử dụng 9-10 năm chiếm tới hơn 10% tổng số xe buýt.
Về khách quan, hạ tầng dành cho xe buýt còn thiếu, điểm dừng có chỗ chưa hợp lý, việc nghiên cứu làn đường dành riêng cho xe buýt và điểm trung chuyển chưa đạt yêu cầu. Nhiều tuyến phố vỉa hè không đủ rộng để lắp nhà chờ, trong khi nhiều nơi nhà chờ bị lấn chiếm bán hàng rong, dừng đỗ xe… Hạ tầng thiếu khiến việc tiếp cận xe buýt nhiều nơi còn khá khó khăn, ảnh hưởng đến việc vận hành xe buýt và an toàn của hành khách. Đặc biệt, do vận hành chung với làn phương tiện hỗn hợp nên xe buýt chịu ảnh hưởng của tình trạng ùn tắc giao thông, thời gian vận hành bị chậm trễ khiến người dân chưa “mặn mà” với xe buýt.
Rõ ràng, để giữ được hành khách đi xe buýt phải giữ được chất lượng và ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ. Trước hết, doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng phải ý thức được điều này, chủ động đầu tư đổi mới phương tiện, duy tu, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng phương tiện hiện có. Đi đôi với đó là bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ và thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng phục vụ của lái xe, nhân viên bán vé.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm phương tiện vận hành trên tuyến đúng quy định, tuân thủ pháp luật về giao thông, bảo đảm an toàn cho hành khách. An toàn chính là ưu thế của xe buýt để thu hút hành khách.
Cùng với đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu cơ chế đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt của các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng, bởi chất lượng dịch vụ chưa có sự đồng đều giữa các đơn vị. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng nên đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động của các tuyến buýt trên địa bàn thành phố trên cơ sở chất lượng dịch vụ, sản lượng hành khách, doanh thu, mức độ trợ giá… Tuyến nào không hiệu quả phải đề xuất xem xét dừng hoạt động; tuyến nào sụt giảm sản lượng hành khách do chất lượng dịch vụ không tốt cần phải chấn chỉnh các doanh nghiệp vận hành, buộc doanh nghiệp chủ động đề xuất giải pháp tăng sản lượng hành khách, tăng doanh thu, cải thiện chất lượng phục vụ, nhất là thái độ của nhân viên.
Mặt khác, để hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng, cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tuyến đường có thể tổ chức làn dành riêng cho xe buýt, giúp xe buýt giảm thời gian di chuyển nhằm thu hút hành khách; tiếp tục nghiên cứu hợp lý hóa luồng tuyến, điểm dừng, đầu tư hạ tầng mạng lưới xe buýt giúp tăng khả năng tiếp cận của hành khách.
Về lâu dài, thành phố cần đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị. Đối với đô thị hiện đại, đường sắt đô thị là loại hình vận tải công cộng chủ lực, kết hợp cùng xe buýt hoàn thiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng văn minh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.