(HNM) - Vừa xảy ra một vụ việc hy hữu ngay trên địa bàn Thủ đô khi tàu hỏa phải phanh dừng khẩn cấp để nhường xe máy qua đường ray. Vụ việc xảy ra vào sáng 13-4, tại quốc lộ 21B, đoạn giao với đường sắt Bắc - Nam (thuộc địa phận quận Hà Đông), dù các nhân viên gác chắn tàu đã kéo ba ri e gần kín đường, nhưng hàng chục người dân vẫn cố tình lách xe máy qua.
Người đông lại chỉ còn cái khe hẹp duy nhất, trong khi đoàn tàu chở hàng lưu thông từ hướng Cầu Diễn đang lao tới. Kẹt cứng và hỗn loạn, trong tình huống "ngàn cân treo sợi tóc", nhân viên đường sắt đã kịp phát tín hiệu khẩn cấp và đoàn tàu phanh kịp. Tất cả sự việc chỉ diễn ra trong vòng 2-3 phút.
Lỗi tại ai thì đã rõ. Nỗi ám ảnh có lẽ sẽ còn theo mãi những người may mắn không bị "tử thần" gọi tên cũng như những nhân viên gác chắn, lái tàu và người dân có mặt tại đó thời điểm ấy. Hy vọng họ sẽ rút ra được bài học cho bản thân. Nhưng, còn rất nhiều người vẫn đang khá bàng quan với "hung thần" mang tên đường ngang giao cắt đường sắt, mà ở Hà Nội có hàng trăm đường ngang như vậy.
Hằng ngày, có dịp đi qua đường Giải Phóng (đoạn trước cửa Bệnh viện Bạch Mai), tôi vẫn gặp cảnh những quán chè chén với hàng chục người vô tư kê ghế nhựa ngồi uống ngay trên đường ray. Thấy tàu đến gần mới từ từ cầm ghế và chén đứng dậy, coi đó là chuyện rất bình thường. Tôi cũng đã từng được gặp chị Trần Thị Nhàn, nhân viên ở trạm gác chắn Kim Liên (quận Đống Đa) từng phải vào viện điều trị khi cố gắng ngăn cản một chiếc ô tô vô tư chen qua rào chắn khi tàu đang tới gần. Nhiều nhân viên khác còn bị người đi đường xúc phạm chỉ vì cố gắng ngăn cản đừng đi qua rào chắn khi tín hiệu đã phát. Nhiều lắm những ví dụ như thế…
Thời gian qua, các cấp chính quyền Thủ đô phối hợp cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm ATGT như nâng cấp các đường ngang từ cảnh giới bằng biển báo thành cảnh giới tự động (có đèn và chuông báo), có gác chắn tự động; làm hệ thống đường gom, đóng các vị trí mở trái phép… Nhưng, để giải quyết triệt để hàng trăm đường ngang lại không thể là việc ngày một ngày hai. Do vậy, mấu chốt vẫn nằm ở mỗi người khi tham gia giao thông, hãy nâng cao ý thức, chủ động bảo vệ tính mạng của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.