(HNM) - Ủy ban Quốc tế về bảo vệ bức xạ (ICRP) đã đưa ra khuyến cáo về mức độ tiếp xúc với bức xạ nhằm phòng ngừa các bệnh thân thể và di truyền của con người.
Bức xạ trong y tế (Ảnh minh họa). |
Liều bức xạ được quy ước bằng đơn vị Sievert (Sv) hay mili Sievert (mSv), thể hiện tổng năng lượng bức xạ hấp thụ bởi tế bào sống và mức độ ảnh hưởng sinh học mà nó gây ra. Theo khuyến cáo của ICRP, mức liều đối với công nhân làm việc trong điều kiện có bức xạ không nên vượt quá 50 mSv/năm trong một năm riêng lẻ bất kỳ và liều trung bình cho 5 năm không được vượt quá 20mSv. Nếu một phụ nữ mang thai làm việc trong điều kiện bức xạ thì giới hạn liều nghiêm ngặt hơn cần được áp dụng là 1mSv/năm. Giới hạn liều được chọn để bảo đảm rằng rủi ro nghề nghiệp đối với nhân viên bức xạ không cao hơn rủi ro nghề nghiệp trong các ngành công nghiệp khác.
Đối với người bình thường, giới hạn liều bức xạ nói chung thấp hơn đối với nhân viên bức xạ, không nên vượt quá 1mSv/1 năm. Đối với bệnh nhân, ICRP không có khuyến cáo giới hạn liều. Trong xạ trị, liều chiếu có thể tăng gấp hàng trăm lần so với giới hạn liều đối với công nhân.
Sở dĩ có mức giới hạn cho phép 1mSv/năm nói trên là bởi ICRP đã tính toán xác suất và đưa ra kết luận như sau: Nếu có một triệu người bị chiếu xạ bởi một liều phóng xạ có cường độ 1mSv thì 40 người có nguy cơ bị ung thư. Mặt khác, do các chất phóng xạ phân bố không đồng đều trong các cơ quan và mô khác nhau của con người nên bệnh phóng xạ phụ thuộc không chỉ vào liều lượng do bức xạ, mà còn vào nơi tích lũy chất phóng xạ nhiều nhất dẫn đến tình trạng bệnh tật của toàn cơ thể người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.