(HNM) - Hôm nay ngày 2-4 (tức mùng 10 tháng Ba âm lịch), chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - vị “cha chung” của triệu triệu người con đất Việt. Do ngày Giỗ Tổ vào đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên người dân tuân thủ nghiêm quy định hạn chế ra khỏi nhà. Với tấm lòng thành kính công đức Tổ tiên, nhiều người đã chọn cách dâng hương Quốc tổ tại gia để bày tỏ tình đoàn kết chung một nguồn cội và ý chí quyết tâm chung sức đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Tiếp nối truyền thống - gắn kết cội nguồn
Đã thành thông lệ nhiều năm nay, mỗi khi đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng Ba âm lịch), gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt Thư (ở tổ dân phố số 13, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) lại chuẩn bị lễ vật, hương đăng dâng lên ban thờ tại gia. Bà Thư cho biết: “Đây là nếp nhà được duy trì từ thời các cụ, trước để bày tỏ lòng thành kính tới các Vua Hùng, sau là giáo dục con cháu nhớ về truyền thống, cội nguồn”. Theo nếp gia đình, các con gái của bà, sau khi đi lấy chồng cũng không quên tục dâng hương Quốc tổ vào ngày 10 tháng Ba âm lịch, như một cách ngưỡng vọng công đức tổ tiên, những người có công khai sơn, trị thủy, gìn giữ sơn hà.
Tương tự gia đình bà Thư, nhiều gia đình ở Hà Nội cũng như trên cả nước tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương tại gia trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo chị Nguyễn Thị Phương Nhung (tổ dân phố số 46, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai), nếu như mọi năm gia đình chị đều về trẩy hội Đền Hùng, thì năm nay, do tình hình dịch bệnh, gia đình đã chuẩn bị hương, hoa, lễ vật, dâng cúng Quốc tổ tại gia vào ngày chính giỗ. “Tôi cho rằng, dù thực hành ở đâu, thì việc dâng lễ nên tùy vào duyên cảnh. Quan trọng nhất là sự chân thành, tấm lòng hướng về tổ tông, nguồn cội”, chị Nguyễn Thị Phương Nhung chia sẻ.
Khởi nguồn từ tập quán thờ cúng tổ tiên, ý thức thờ cúng Hùng Vương, qua thời gian đã thành biểu tượng văn hóa tín ngưỡng, niềm tự hào của những người cùng chung dòng máu Lạc Hồng. Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam khẳng định: “Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một Thủy tổ. Nguồn gốc đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau”.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang được hàng triệu đồng bào người Việt thực hành. Giỗ tổ không nhất thiết phải lên Đền Hùng, nơi phát tích tín ngưỡng, mà có thể tùy điều kiện làm cơm cúng tại gia, hoặc chỉ cần thắp một nén nhang tại ban thờ để tưởng nhớ gia tiên, tiền tổ, cũng đủ thể hiện lòng thành kính.
Lan tỏa tinh thần dân tộc
Với ý nghĩa như thế, Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là dịp để triệu triệu trái tim hướng về cội nguồn tiên tổ, mà còn là thời điểm mỗi người chiêm nghiệm về tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, những điều góp phần hun đúc, lan tỏa sức mạnh trong mỗi trái tim người dân đất Việt. Đặc biệt, dịp Giỗ Tổ năm nay diễn ra trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nguy hiểm, những nghĩa cử cao đẹp của tinh thần dân tộc càng có cơ hội bộc lộ, soi tỏ qua từng hành động, việc làm cụ thể của mỗi người, mỗi nhà.
Đó là việc người dân đồng tâm thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nghiêm cẩn, tự giác thực hiện cách ly xã hội, không ra khỏi nhà khi không có việc thực sự cần, nhằm chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh; hay việc cả nước đồng thuận cùng Chính phủ thực hiện đón hàng vạn đồng bào ở nước ngoài về nước tránh dịch “dù đất nước còn nhiều khó khăn, điều kiện đón, thủ tục cách ly, cơ sở vật chất còn chưa thuận lợi, nhưng đó là nghĩa đồng bào” - lời Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Đó còn là việc hàng trăm y, bác sĩ đã nghỉ hưu, hàng ngàn sinh viên trường y xung phong tham gia tuyến đầu chống dịch. Nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp và các cá nhân, tập thể khác tự nguyện ủng hộ Chính phủ, từ 20 nghìn đồng qua tin nhắn đến hàng chục tỷ đồng tiền mặt... Tất cả là sự tình nguyện cao cả để cùng hợp sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.
Anh Bobby Chinn, một đầu bếp nổi tiếng của New Zealand, đang sinh sống tại Việt Nam, đã chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh những tình nguyện viên ngủ gục bên lề khu cách ly tập trung trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, cùng dòng cảm xúc “Khi nghĩ về người Việt Nam, tôi cúi đầu với sự tôn trọng vô cùng”.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển văn hóa Hùng Vương, Thiếu tướng Phạm Văn Dần, những hành động, việc làm vì cộng đồng trong những ngày qua chính là hiện thân của tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái - một truyền thống quý báu của dân tộc, hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó cũng là hành trang vô giá để chúng ta bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
“Dịch bệnh có hung hãn, khủng khiếp đến đâu thì cũng sẽ qua, qua nhanh hay chậm phụ thuộc vào nỗ lực và trách nhiệm của mỗi người. Mọi khó khăn hiện nay sẽ qua nhanh, nếu chúng ta đủ lạc quan, tin tưởng, biết chia sẻ và giúp đỡ nhau. Đây cũng chính là ý nghĩa cao cả, tốt đẹp nhất của tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong truyền thống thờ cúng Hùng Vương - Quốc tổ của người Việt, những điều đã và đang làm nên sự trường tồn, phát triển của cả dân tộc”, Thiếu tướng Phạm Văn Dần khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.