(HNM) - Một nhóm 5 nghệ sĩ trẻ kết hợp giữa thư pháp và mỹ thuật vừa tổ chức triển lãm
"Phá chữ"
Một góc triển lãm “Vô ngôn”.
Không ồn ào khuếch trương, không rầm rộ hô ứng, những thể nghiệm lặng lẽ của nhóm thư pháp Tiền Vệ vẫn bền bỉ trong hơn hai năm qua. Khó để mong đợi một công chúng rộng rãi như công chúng của thư pháp truyền thống. Bởi dù đã xác lập ý thức sáng tạo và khẳng định quan điểm, phương pháp qua mỗi lần lộ diện, thư pháp Tiền Vệ ở Việt Nam vẫn còn là một con đường mới lạ lẫm ngay cả ở trong giới, một địa hạt không dễ để khám phá.
Nhưng không vì thế mà không làm hoặc chần chừ. "Vô ngôn" - triển lãm vừa khai mạc ngày áp Tết của nhóm The Ze'nei Gang of Five tại Art Vietnam Gallery số 7 Nguyễn Khắc Nhu, Hà Nội là cuộc nghênh tiếp tưng bừng mùa xuân đang đến. Đón dương khí đang khởi, 5 nhà thư pháp - nghệ sĩ thể hiện các tác phẩm cũng với một thái độ dứt khoát, một tinh thần khỏe khoắn. Viết chữ, giờ đây là cơ hội cho những thể nghiệm mới trong việc sử dụng nét và "chơi mực". Viết chữ với những nội dung rất đỗi đời thường, "phàm trần" trở thành lý do cho sự xuất hiện những tưởng tượng đa dạng về hình thù, mảng sáng tối, đậm nhạt nhiều tầng lớp. Viết chữ lại chính là việc không còn "trung thành" với chữ mà là xé tan, ken dày chữ, khiến cho người xem không còn cơ hội thưởng chữ theo kiểu cổ xưa mà bắt họ cũng phải vận động năng lực hình dung và suy tưởng…
"Lời câm"
Tác phẩm chữ như thế đang đi đến, hòa nhập với họa, và theo một số nhận định, như của họa sĩ Nguyễn Quân, hay Giám đốc nghệ thuật Suzan của Art Vietnam gallery… thì đây được coi những bức tranh mang khuynh hướng trừu tượng. Họa sĩ Nguyễn Quân nhận xét: "Các họa sĩ của chúng ta chơi chữ, tạo chữ, biến đổi, giải cấu trúc các hình tự vốn mang tính tượng hình cao bằng "cốt pháp dụng bút" của các thư pháp gia, kết hợp với các thủ pháp tạo hình hiện đại, kể cả Installation và Performance (sắp đặt và trình diễn)". Một số bức thư - họa của Thiên Hỏa Nguyễn Đức Dũng như một niềm u ẩn với độ loang và chồng lớp của nhiều sắc độ mực. Thiền Phong Phạm Tuấn hướng tới những ấn tượng về sự nặng nề, đồ sộ. Trong tác phẩm của Ân Xuyên Nguyễn Quang Thắng có nét thanh thoát, nền nã. Còn Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương thì mải mê với những cuộc phóng túng. Cửu Chân Quận Nhân thì khiến triển lãm thêm cuốn hút với âm thanh "rất căng" từ những "bình phong" bóng - đĩa trắng viết kín chữ, những ống sớ bằng lụa xanh, vàng, cam, hồng tươi màu chi chít chữ quây quanh một số "mộ phần chữ" hay có thể gọi là "cùm chữ" gồm những cuốn sách được ép chặt trong khối bê tông. Phá cách, vượt thoát đến độ rời bỏ khỏi trật tự cũ để thiết lập "cung đường khác" chính là một ý nghĩa mà các nghệ sĩ muốn tạo dựng qua triển lãm "Vô ngôn" - không nói nhưng thực ra hàm chứa nhiều lời lẽ, tâm niệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.