Cuộc sống hiện đại đã tác động khá mạnh mẽ, làm thay đổi mô hình, diện mạo mỗi gia đình. Dĩ nhiên, việc giữ cho tổ ấm được mãi vững bền đòi hỏi chúng ta phải có thái độ và hành động sao cho phải.
Gia đình có những chuẩn mực mà ta cần tôn trọng để nó mãi vững bền. |
Có người nói rằng: “Gia đình bây giờ đầy đủ hơn nhưng cũng kém bền vững hơn”. Đây không phải là một cái nhìn bi quan về cuộc sống mà là một cái nhìn thực tế.
Cuộc sống có thể thay đổi…
Được coi là “tế bào của xã hội”, mỗi gia đình đều phản ánh những nét đặc trưng mà xã hội đang có.
Mọi gia đình được hình thành bắt nguồn từ đôi lứa. Nam nữ yêu nhau, muốn kết duyên “ăn đời ở kiếp” với nhau như lẽ thường của loài người chúng ta từ đời xưa. Đôi uyên ương là một cặp chim trời, uyên (con đực) và ương (con cái) thường sống quấn quýt với nhau suốt đời. Văn chương đã lấy hình ảnh đôi chim uyên ương biểu tượng cho cuộc sống vợ chồng viên mãn, chung thuỷ một lòng một dạ.
Nhưng dù là chim uyên ương hay gì đi nữa thì vẫn phải có những thứ làm nên “tổ ấm”. Chúng không thể chỉ ăn “mấy cọng rơm khô” mà hót suốt ngày. Với các chàng trai, cô gái nên duyên, đó là một mái nhà với những điều kiện tối thiểu để yêu nhau. Rồi sinh con đẻ cái, lúc đó họ phải đối mặt với không biết bao nhiêu là gian nan thử thách:
Thấy anh em cũng muốn theo
Em sợ anh nghèo, anh bán em đi
Lấy anh em biết ăn gì?
Lộc sắn thì chát, lộc si thì già
Lấy anh không cửa, không nhà
Không cha, không mẹ, biết là cậy ai?
Lời than của cô gái nọ (trong ca dao) quả là tội nghiệp. Bây giờ cảnh nghèo khó đó có thể cũng còn nhưng rõ ràng là vô cùng hãn hữu, bởi cuộc sống hôm nay đã khác xưa nhiều.
Ngày trước, việc một gia đình lo sao cho đủ ăn hai bữa đã là rất khó. Nhà nào mà “cơm ba bữa, áo ba manh” là khá lắm rồi. Có “nhà ngói, cây mít, sân gạch” thì càng khá, được coi là có máu mặt ở làng.
Tốc độ phát triển của xã hội hiện đại đã làm thay đổi diện mạo cuộc sống, trước hết là thay đổi tiện nghi trong các gia đình. Chẳng cứ gì thành phố, ở nông thôn bây giờ, một cặp trai gái ra ở riêng đã có thể sở hữu một căn nhà đàng hoàng, xe máy mỗi người một chiếc và rồi bao chuyện nữa cũng đã ngày càng trở nên bình thường khi mà xã hội ngày càng phát triển, kinh tế ngày càng khấm khá, quan hệ xã hội của con người ngày càng rộng mở!
Xã hội phát triển, đó là tín hiệu tốt. Nhưng điều này sẽ giúp cho các tổ ấm kia “ấm” hơn và sẽ vững vàng hơn thì thật tốt biết bao.
Một nhà xã hội học rất hài hước khi cho rằng, tình yêu của chàng và nàng có thể chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: Anh nói em nghe; giai đoạn thứ hai: Em nói anh nghe và giai đoạn thứ ba: Cả anh và em cùng nói, hàng xóm nghe!
Và khi mà hàng xóm phải “chịu trận” nghe những chuyện không hay ho gì của nhà ta thì lúc ấy, nguy cơ “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” đã gần lắm rồi.
Vậy cộng đồng phải làm gì để góp một tay giữ cho mái ấm mỗi gia đình hôm nay không chao đảo, không bị “mất thăng bằng” như thế?
...nên cần tôn trọng các chuẩn mực gia đình
Hai người yêu nhau không phải chỉ nhìn nhau mà phải biết nhìn về một hướng. Có thế thì họ mới đi xa tới bến bờ hạnh phúc. Gia đình hiện đại quả cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới đổ vỡ do nhiều quan hệ, nhiều sở thích, nhiều thú vui… mà người này thì hợp, người kia thì không.
Dĩ nhiên, vẫn có cách giữ cho tổ ấm kia mãi vững bền. Điều quan trọng là các chuẩn mực gia đình vốn có cần phải được tôn trọng. Đó là sự tôn trọng lẫn nhau: về thói quen, sở thích, tính cách, là trách nhiệm của mỗi người (chồng và vợ) trong bổn phận phải lo cho cuộc sống lứa đôi: lo cho con cái, lo cho quan hệ anh em, họ hàng, bè bạn… Đó là cách điều chỉnh hành vi ứng xử sao cho phù hợp.
Nhịp sống hiện đại khẩn trương, bộn bề, phức tạp thật nhưng ai cũng cần có lúc tạm quên công việc để nghĩ về mái ấm của mình. Một công chức hạnh phúc là một người sáng sáng muốn tới cơ quan và chiều chiều muốn trở về nhà.
Còn việc nuôi dạy con cái là việc chung mà cả hai cùng gánh vác. Nuôi con khôn lớn là cả một hành trình vất vả, không thể phó mặc cho một ai với lí do bận bịu, với lí do phải lo kiếm tiền là chính, bởi tiền có thể mua được tiện nghi vật chất chứ không thể mua được hạnh phúc. Vì thế, không có thái độ đúng, không có sự chung tay xây đời cùng nhau thì mọi ước vọng về một hạnh phúc vững bền cũng sẽ tan nhanh như lâu đài trên cát mà thôi.
Ở Việt Nam hiện nay, với dân số trên 86 triệu, chúng ta có hơn 12 triệu nếp nhà. Mỗi nhà một “bếp”, thắp ngọn lửa ấm sao đây?
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách quan trọng để tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình và xã hội. Ngoài Hội Kế hoạch hóa gia đình, chúng ta có Hội Liên hiệp Phụ nữ, có Đoàn Thanh niên, có nhà trường phối hợp với chính quyền các cấp. “Chuyện anh chuyện ả” không chỉ là nằm trong phạm vi nội bộ gia đình nữa mà là chuyện của xóm, của làng, của hàng phố... Chăm lo cho “tế bào của xã hội” chính là biện pháp tốt nhất để hướng tới một xã hội chung tốt đẹp, bền vững. Sự hỗ trợ đắc lực đó chắc chắn sẽ góp phần làm cho mọi gia đình cùng đồng thuận vì một mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc.
Ông cha ta có câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Râu tôm là thứ bỏ đi. Ruột bầu cũng thế. Vậy mà nó vẫn là món canh ngon ngọt để trở thành niềm vui của vợ chồng, của gia đình trong cuộc sống đạm bạc.
Điều kiện sống bây giờ tốt hơn nhiều và nếu ta biết cách giữ gìn thì hạnh phúc gia đình sẽ đẹp, sẽ bền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.