Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gìn giữ nét xưa

Minh Ngọc| 01/06/2016 08:07

(HNM) - Nghỉ hè, ngoài việc đi du lịch cùng gia đình, các em thiếu nhi có thể vui chơi cùng bạn bè ngay tại nơi sinh sống bằng các đồ chơi, trò chơi dân gian bổ ích, lý thú, giàu tính giáo dục.

Trẻ em thích thú với tò he - đồ chơi dân gian đã có lâu đời.


Sau một thời gian dài bị lãng quên, đồ chơi và các trò chơi dân gian truyền thống đã và đang có sự hồi sinh mạnh mẽ, được các em thiếu nhi Thủ đô nhiệt tình đón nhận. Các làng nghề sản xuất đồ chơi dân gian vì thế cần được quan tâm, phát triển, cũng là để góp phần gìn giữ nét văn hóa xưa.

Đã thấy sự hồi sinh

Nhờ sự quan tâm từ nhiều ngành, nhiều phía, đồ chơi và trò chơi dân gian đã trở lại với trẻ em trong những năm gần đây. Bằng chứng là tò he Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên xuất hiện ở nhiều góc phố trên địa bàn Hà Nội, tại các hội chợ, triển lãm, lễ hội trên khắp mọi miền đất nước và được các em thiếu nhi háo hức đón nhận. Tương tự, những chú chuồn chuồn tre độc đáo tạo nên từ bàn tay khéo léo của những người thợ làng nghề mây tre đan Thạch Xá (Thạch Thất) "cất cánh" bay xa tới mọi miền Tổ quốc, thậm chí theo chân du khách ra nước ngoài. Những chiếc đèn lồng từ làng Đàn Viên, xã Cao Viên (Thanh Oai), đèn ông sao từ thôn Hậu Ái, xã Vân Canh (Hoài Đức)… đến với đông đảo các cháu thiếu nhi mỗi dịp tết Trung thu về. "Từng có một thời gian dài, gia đình tôi làm đèn ông sao chỉ cốt để giữ lấy nghề, nhưng ít năm gần đây, đèn chúng tôi sản xuất không đủ cung ứng ra thị trường. Điều đó chứng tỏ, trẻ em đã tìm về các trò chơi truyền thống" - Chị Nguyễn Thị Tuyết, nghệ nhân làm đèn ông sao thôn Hậu Ái chia sẻ.

Sự trở lại của trò chơi dân gian còn được nhiều bảo tàng, nhiều tổ chức, cá nhân ưu ái lựa chọn làm điểm nhấn cho chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật của mình. Dù không gian bảo tàng vốn đã đậm nét văn hóa dân gian, nhưng dịp tết Nguyên đán, Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hằng năm, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) vẫn mời các nghệ nhân đến giới thiệu, trình diễn, hướng dẫn các cháu thiếu nhi chơi các trò chơi dân gian. Bảo tàng Hà Nội thể nghiệm chương trình "Rước trăng chơi phố" với rất nhiều trò chơi truyền thống vào dịp tết Trung thu năm 2015, đưa "Hương Tết Việt" vào không gian sân vườn dịp tết Nguyên đán Bính Thân… thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.

Các địa chỉ văn hóa trong khu phố cổ Hà Nội cũng là địa điểm các nghệ nhân thường xuyên trưng bày, giới thiệu nhiều trò chơi dân gian đặc trưng của người Hà Nội. Đặc biệt, trò chơi dân gian nhảy dây, chơi chuyền, bắn bi, ô ăn quan… gắn với tuổi thơ nhiều thế hệ do nhóm tình nguyện viên của MyHanoi tổ chức vào chiều thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại sân Tượng đài Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm) đã cuốn hút nhiều người dân Thủ đô và du khách cùng tham gia. Ngoài ra, rất nhiều trẻ em Hà Nội từng ít nhất một lần đến Hoàng thành Thăng Long, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các khu vui chơi… để khám phá bản sắc văn hóa các vùng miền thông qua rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tổ chức thường niên. Đó chính là những ví dụ sinh động khẳng định, đồ chơi và trò chơi dân gian đang hồi sinh và từng bước phát triển mạnh mẽ.

Giữ nghề truyền thống

Đối tượng có vai trò quyết định đối với sự hồi sinh, phát triển của các loại hình đồ chơi, trò chơi dân gian chính là nghệ nhân và các làng nghề truyền thống. Hà Nội hiện có nhiều làng nghề sản xuất đồ chơi dân gian, song việc duy trì, phát triển các làng nghề này theo hướng bền vững hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tại làng nghề Thạch Xá, số lượng chuồn chuồn tre sản xuất ra tuy nhiều, nhưng số hộ theo nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đầu ra cho sản phẩm mang tính chất mùa vụ và phát triển mang tính tự phát. Dịp lễ hội bán được nhiều thì người dân sản xuất nhiều, bán được ít người dân sản xuất ít nên thu nhập của người giữ nghề thiếu sự ổn định. Chính những người đang theo nghề cũng không chắc chắn sẽ gắn bó lâu dài với nghề, như vậy không có gì để bảo đảm món đồ chơi đẹp mắt này sẽ tồn tại mãi mãi.

Làng nghề nặn tò he Xuân La hiện hưng thịnh nhất hiện nay cũng đang trăn trở với bài toán phát triển bền vững. Theo nghệ nhân Chu Tiến Công, việc quảng bá rộng rãi tò he có phần hạn chế vì tò he được làm bằng bột gạo, dễ bị khô, mốc, không để được lâu nên không thể đóng hộp chuyển đi xa. Phương án đưa làng nghề tò he trở thành điểm đến du lịch, góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề đến nay cũng chưa thể thực hiện vì nhiều lý do. Để giữ gìn, phát huy giá trị làng nghề tò he, anh Nguyễn Văn Thành (CLB Tò he Xuân La) mong muốn các cơ quan chức năng giúp đỡ, tạo điều kiện để địa phương xây dựng dự án đưa tò he vào những tour du lịch văn hóa truyền thống. Đây cũng là mong muốn của những nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống hiện nay.

Đồ chơi và trò chơi dân gian ngoài tác dụng giải trí, nâng cao thể lực đối với thiếu nhi còn phản ánh rất rõ văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Thiết nghĩ, trong lộ trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, đầu tư giữ các làng nghề làm đồ chơi truyền thống; đồng thời tạo điều kiện khôi phục nhiều hơn nữa các trò chơi dân gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ nét xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.