(HNM) - Cái uy và cái tình của Anh hùng Lực lượng vũ trang Đoàn Thị Thu (bí danh Năm Thu) đã để lại trong lòng đồng đội và người dân vùng Tân Bình những tình cảm sâu đậm.
Nữ tướng và nữ tính! Dấu ấn tác phong đấu tranh với kẻ thù, với tội phạm của một nữ trưởng công an quận đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh đã cảm hóa những con người lầm lỗi "bên kia chiến tuyến" quay về, góp sức đập tan nhiều nhóm phản động, phá hoại trong giai đoạn đất nước chuyển mình.
Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Thị Thu.
Dấu vết những đòn tra tấn hiểm độc của kẻ thù vẫn còn in hằn trên thân thể nữ điệp báo An ninh T4 Năm Thu, gợi nhắc những trận đòn "thừa sống, thiếu chết" mà chị đã phải trải qua trong nhà tù Mỹ - ngụy. Sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình, vết thương chiến tranh vẫn nhức nhối âm ỉ trong gia đình ấy, nó cũng hiển hiện qua từng cơn đau đớn của người chồng yêu thương. Ông từng là Trưởng ban An ninh Dĩ An (Biên Hòa, Đồng Nai) gan dạ, oai dũng năm xưa, sau những năm tháng bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc, đã mù lòa, tàn phế. Vậy rồi những ngày đoàn tụ gia đình ngắn ngủi chưa đủ vơi nỗi nhớ thương chiến tranh chia cắt thì thương tật đã cướp ông rời xa bà mãi mãi. Lắng tình riêng, lo việc nước! Hơn ai hết, bà thấu hiểu và mong muốn xoa dịu những nỗi đau chiến tranh, xóa bỏ ranh giới hận thù, vun đắp cho mọi mái nhà sự ấm áp, bình yên.
Sau ngày giải phóng, với cương vị Đội trưởng Đội Bảo vệ chính trị (BVCT) Công an quận Tân Bình, bà tham gia xử lý hàng chục ngàn trường hợp ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện, đưa một số tướng lĩnh, sỹ quan chế độ cũ đi cải tạo, tổ chức học tập ngắn ngày cho hơn 21.000 hạ sỹ quan, binh lính, ngụy quyền cơ sở. Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của chế độ mới bà đã góp phần xóa dần thái độ nghi ngại, thúc đẩy các đối tượng sớm trình diện. Nhiều trường hợp sỹ quan do bị ép buộc cầm súng, gia cảnh khó khăn và đã ý thức lỗi lầm được bà mạnh dạn đề xuất áp dụng biện pháp học tập, giáo dục tại chỗ để có điều kiện chăm sóc gia đình. Những việc làm thấu tình, đạt lý của bà đã góp phần hòa hợp, đoàn kết dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân, củng cố vững chắc nền tảng an ninh trong những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng.
Và cũng chính những con người từng một thời "bên kia chiến tuyến" được cảm hóa quay về đã giúp chính quyền cách mạng vạch mặt các tổ chức phản động móc nối lôi kéo họ, giúp Đội BVCT tấn công, bóp chết các âm mưu phá hoại của địch từ trong trứng nước, không để chúng manh động, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân. Từ nguồn tin của quần chúng cung cấp, đội bà Năm Thu đã truy quét 52 tên ngoan cố trốn trình diện (có kẻ là sỹ quan biệt kích, an ninh chi khu gây nhiều tội ác), phát hiện, xử lý 42 đối tượng xấu, chui vào ẩn náu trong hàng ngũ chính quyền cơ sở.
Mềm mỏng, khoan dung với những người một thời lầm lỗi biết hối cải nhưng người "nữ tướng" mưu trí, tỉnh táo ấy cũng là "khắc tinh" trấn áp tội phạm. Trong 4 năm (1976-1979) Đội BVCT Công an Tân Bình đã triệt phá hơn 30 vụ nhen nhóm phản động, bắt giữ hàng trăm tên, thu giữ vũ khí, ngăn chặn nhiều âm mưu gây rối chính trị, bạo loạn, góp phần bảo đảm an ninh trên địa bàn quận và thành phố.
Năm 1979, bà được đề bạt là Phó Trưởng Công an quận Tân Bình khi tuổi đời chưa tròn bốn mươi và sau này càng vững vàng trên cương vị Trưởng Công an quận, hoàn thành xuất sắc trọng trách bảo đảm an ninh trật tự trên một địa bàn trọng điểm phức tạp nhất thành phố. Nghỉ hưu đã 10 năm lẻ, nhưng với bà con, cái tên "Cô Năm" vẫn ngọt như cái tình của "nữ tướng" ngày xưa đến vận động dân, nghe dân trách phiền những việc chưa trọn.