(HNM) - Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học đã tiến hành khảo sát 3 giếng cổ Đông Khê, Đoài Khê và Đại Phùng tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng - Hà Nội). Kết quả cho thấy, đó là những giếng cổ theo phong cách Chăm pa rõ nét, hiện rất cần được bảo vệ.
Giếng cổ thôn Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội). |
Theo TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học, giếng cổ Đông Khê rất đặc biệt, cổ giếng làm bằng đá xanh nguyên khối, được khoét đục khá cầu kỳ. Cổ giếng cao 78cm, phần thành giếng cao 40cm, chân cao 38cm. Sát chân cổ giếng có 2 lượt đá xanh, tạo thành thềm giếng hình tròn. Lòng giếng gồm những thanh đá có mặt cắt hình chữ nhật, được chế tác hơi cong để tạo hình tròn cho giếng, xếp so le nhau xuống tận đáy giếng. Mặt trong, trên miệng cổ giếng, người xưa đã đục những rãnh nhỏ liền nhau, song song chạy dọc xuống nhằm làm cho cổ giếng không bị nứt vỡ do vật liệu đá co ngót hay giãn nở trong điều kiện thời tiết thay đổi. Mới đây, khi tiến hành nạo vét, người ta đã phát hiện ra dưới đáy giếng có một khối đá to tròn, liền khối. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đông Khê, khối đá này giúp các thanh đá bên trên lún đều. Đây là một kỹ thuật rất đặc biệt. Hiện tại, nước giếng vẫn rất trong, chất lượng nước tốt. Cũng theo ông Nguyễn Văn Hà, giếng cổ này được xây ít nhất từ thế kỷ thứ XII. "Cách đây không lâu, các nhà khoa học trung ương đã về khảo sát cây đại ở xóm Ngõ Giữa, thôn Đông Khê và cho biết, cây đại có niên đại tới 900 năm. Vậy mà các vị cao niên truyền lại là giếng còn có trước cây đại" - ông Nguyễn Văn Hà cho biết.
Giếng thôn Đoài Khê nằm ở phía tây xã Đan Phượng, được làm bằng đá ong. Thềm giếng hình tròn, lát bằng loại gạch thẻ có độ cứng cao. Giếng có đường kính ngoài 130cm, đường kính trong 90cm. Trong lòng, ngay dưới phần cổ giếng có một lượt gạch thẻ xếp lóng dọc, tiếp xuống là một lượt gạch thẻ xếp lóng ngang. Hai lượt gạch thẻ này chính là kết quả của một đợt trùng tu để nâng cổ giếng lên, đồng thời lát thềm giếng. Căn cứ vào loại gạch, có thể suy đoán đợt trùng tu này được thực hiện vào những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX. Dưới các lớp gạch thẻ là những viên đá ong được xếp so le liền khít xuống tận đáy giếng. Chất lượng nước giếng này rất tốt, cách đây không lâu, khi chưa có hệ thống nước sạch, dân Đoài Khê đều dùng giếng này. Theo các cụ cao niên, giếng có thể có từ thế kỷ XVIII.
Giếng cổ Đại Phùng hiện nằm bên đầu hồi phải của đình Đại Phùng. Giếng có đường kính ngoài 130cm, đường kính trong 83cm. Độ sâu nước 450cm. Cũng giống như hai giếng trên, ở mặt trong cổ giếng, người xưa đã đục những rãnh nhỏ liền nhau để tránh sự nứt vỡ. Nước giếng vẫn rất tốt và trong. Theo ông Tạ Kim Đản, nguyên cán bộ Ban quản lý di tích đình Đại Phùng, ngôi đình này có từ thế kỷ XVII, giếng có cùng thời điểm với đình nhằm phục vụ cho việc mổ lợn, đồ xôi, giã bánh dày... để tế lễ.
Theo các nhà khảo cổ học, đây là những giếng cổ có chất liệu và kỹ thuật xây khá đặc biệt tại vùng châu thổ Bắc bộ. "Kiểu cổ giếng làm từ đá xanh nguyên khối thì chúng tôi đã thấy ở nhiều nơi của Hà Nội, như ở Nhổn, trong Nhà thờ lớn, chùa Bối Khê… Còn cổ giếng bằng đá ong nguyên khối thì hiếm gặp hơn. Đan Phượng là một trong những vùng có những cụm cư dân Chăm pa định cư sau những lần Nam tiến của các triều đại quân chủ Đại Việt. Chúng tôi đã có những khảo sát về vùng đất này và thấy nơi đây có nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Chăm pa, nhất là việc đào giếng lấy nước sạch. Người Chăm pa có trình độ làm giếng xếp gạch hoặc đá rất giỏi, đặc biệt, họ là bậc thầy trong khu vực Đông Nam Á về kỹ thuật xử lý chất liệu đá ong. Chúng tôi cho rằng, những giếng cổ ở đây chưa chắc đã do người Chăm pa làm, nhưng sự ảnh hưởng về kỹ thuật của người Chăm là khá rõ nét" - TS Nguyễn Tiến Đông nhận định.
Như vậy, có thể thấy, những giếng cổ trên rất quý. Tuy nhiên, đã có thời gian chúng không được bảo quản tốt. Điển hình như giếng Đông Khê đã bị bỏ hoang trên dưới chục năm và trở thành nơi vứt rác. Anh Bùi Văn Chức, cán bộ văn hóa xã Đan Phượng cho biết, có thời điểm rác đầy lên tận miệng giếng. Mãi đến khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", rác mới được trục vớt, giếng được nạo vét và người ta xây khuôn viên để gìn giữ. Hiện nay, cách bảo vệ duy nhất vẫn là người dân tự bảo quản, chính quyền xã hằng năm cho trục vớt rác mà thôi. Theo quan sát, vì giếng gần chợ cóc của thôn nên trẻ em thỉnh thoảng vẫn tiện tay vứt rác xuống giếng. Giếng Đại Phùng cũng không được bảo quản tốt. Năm 2010, khi trùng tu đình Đại Phùng, người ta đã tôn nền đình lên 40cm và dùng ngoàm kéo cổ giếng lên, xây thêm một đoạn giếng khoảng 40cm bằng gạch thường. Đế giếng hiện đã bị gạch lát đè lên. Hiện tại, do mưa nắng, cổ giếng bằng đá ong đã bị rỗ nhưng cách bảo vệ duy nhất chỉ là dùng hai tấm tôn che miệng giếng.
Theo TS Nguyễn Tiến Đông, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, nguy cơ di tích bị xâm hại là đáng kể. Nếu không tích cực tuyên truyền về giá trị của chúng thì trong tương lai không xa, các giếng này sẽ chung số phận với các giếng cổ khác ở Sấu Giá, Dương Liễu, Nhổn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.