(HNM) - Vũ Quần Phương luôn có những tập thơ, tập phê bình với cái tên rất gợi
Chuyện thơ văn thú vị bao nhiêu thì chuyện đời cũng nhiều cung bậc bấy nhiêu. Tưởng như đã quen thuộc mà vẫn thấy mênh mang những góc khuất đời người...
Một tuổi thơ Hà Nội
Quê gốc Nam Định nhưng Vũ Quần Phương (tên khai sinh là Vũ Ngọc Chúc) sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Chỉ có ba năm, giữa tuổi lên sáu và tuổi lên mười, sau ngày cha rồi ông nội mất cùng trong năm 1946, cậu bé Chúc về sống ở quê nội với bà. Nguyên do là về cúng ông thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, không trở lại Hà Nội với mẹ được. Bà thì “chả bao giờ kể chuyện cổ tích” chỉ hay ôm cháu khóc... Tuy còn mơ hồ những nỗi xót tủi của bà nhưng cậu bé cũng từ ấy mà thương bà bằng nỗi thương con trẻ: “Con ăn ít cơm thôi. Bà cho con ở với bà”... Tám tuổi đội chiếc nồi to qua bến đò để bán lấy tiền bà cháu nuôi nhau, nghe nỗi vắng vẻ ở cái nơi sông nước ấy mà thương nhớ gia đình rồi òa khóc. Nhưng từ lần ấy, “tôi không còn sợ đi tối, không còn khóc giữa đường dù nhiều khi buồn, buồn hơn cái buổi sẩm tối đợi đò bên Cống Múc!” - Nhà thơ Vũ Quần Phương nhớ lại.
Nhà thơ Vũ Quần Phương và tác phẩm. |
May mắn thay, năm tháng tuổi thơ ở quê nội nhiều lòng thương mến, Vũ Ngọc Chúc gặp được các ông giáo tản cư nhen nhóm trong cậu bé vốn nhạy cảm và có tư chất ấy một con đường chữ nghĩa mà bà nội dù nghèo khó vẫn luôn tâm nguyện, và cha ông dù sớm ra đi nhưng cũng đã từng theo đuổi.
Rời quê nội, ông được trở lại Hà Nội với mẹ - một cô giáo dạy trường làng, Làng Canh, nay là phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm. Sau bà thành người bán trầu cau ở Chợ Canh để nuôi các con. Đến năm 11 tuổi, cậu bé Chúc lại vào nội thành trọ học, bắt đầu sống cuộc sống một đứa trẻ tự lập. Con đường đi học suốt từ Phan Bội Châu đến Hàng Bông rồi Hàng Dầu chừng một giờ đi bộ là con đường dệt mỗi ngày một nỗi nhớ thương, một mơ ước trong cậu. Tan học, nhìn những gia đình phố Hàng Bông quây quanh mâm cơm tối lại mong sao gia đình mình cũng được vui vầy dưới một ngọn đèn như vậy. Nhìn thấy đứa trẻ khác được bố đèo sau xe lại ước gì mình là đứa trẻ ngồi ở chỗ ấy...
Vũ Quần Phương ham học từ bé và tốt nghiệp bác sĩ Y khoa năm 1965. Bằng tốt nghiệp phổ thông có dấu đỏ “Trúng tuyển hạng xuất sắc được Hội đồng thi khen”.
Luôn cố gắng trong mọi hoàn cảnh - phương châm sống ấy đã buộc ông phải học từ khi là đứa trẻ sáu tuổi, đi mỏi chân trong dòng người cúng vong ông nội “thèm được ai bế” nhưng không ai chú ý, thèm dừng chân nhưng vì “phải thay bố mẹ, con cúng vong cho ông” nên lại cố gắng bước tiếp...
Trong rất nhiều bài thơ Vũ Quần Phương viết về Hà Nội, bài “Đi trong phố cổ Hà Nội” có lẽ mang tâm trạng của một cậu bé đã đi suốt từ năm thơ bé vắng bố, xa mẹ, xa nhà cho đến khi tóc trắng “Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa/Mái rêu âm dương nắng chiều ngả bóng/Mùi thơm hoa mộc hay hoa móng rồng/Mùi thơm bâng khuâng thơm từ trí nhớ”...
Nghề trong nghề - vang vọng
Ai cũng biết nhà thơ Vũ Quần Phương chuyển từ nghề thầy thuốc sang hẳn nghề văn thế nào sau lời khuyên của nhà thơ Chế Lan Viên. Giờ đây, hỏi ông có tiếc nghề thầy thuốc không, ông thật lòng bảo có...
Quan điểm văn chương của ông “Là nghề mà cũng chẳng phải là nghề/Vì nó nhưng cũng đừng chỉ vì nó” có lẽ là quan điểm nhân sinh sáng suốt. Tận hiến cho thơ đến bỏ công học y, làm y 13 năm trời (1959-1972) phải được xem như một thái độ nghiêm cẩn trước văn chương. Nhưng nghề viết cũng là việc nối mình với nhân sinh, nối mình với trời đất. Yêu nó mà không làm mọi thứ để giành giật lấy nó, có lẽ mới thật là yêu. “Đi làm về thì mình là cha, con nó hét bảo lấy cho con quả bóng thì cũng phải chui vào gầm giường mà lấy chứ không nạt nó trật tự cho bố làm thơ...” - ông dí dỏm!
Vũ Quần Phương là một phần, một chứng nhân của đời sống văn học, xã hội, đặc biệt là ở Hà Nội. Ông từng kinh qua các nhiệm vụ Biên tập thơ Đài Tiếng nói Việt Nam (1972-1984); Trưởng ban Văn học hiện đại - NXB Văn học (1984-1991); Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội (1991-1997); đại biểu Quốc hội khóa IX (1992-1997). Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn chương Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (Hội Nhà văn Việt Nam). Ông nhận nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Giải thưởng Nhà nước năm 2007.
Nhiều thế hệ bạn đọc đã lớn lên với những cảm xúc đẹp đẽ thời thơ ấu mà thơ ông mang lại như “Ngưỡng cửa”, “Nói với em”... Và nữa, tuổi hoa niên của ta chả phải đã từng xao động khi nghe “Anh đứng bên cầu đợi em/Đứng một ngày đất lạ thành quen/Đứng một đời em quen thành lạ...”.
Tin rằng, quan điểm làm nghề cũng là quan điểm sống đã cho ông một tư thế vững vàng để đóng góp cho xã hội nói chung, cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng. Từ năm 1972, ông có nhiều cuộc trò chuyện thơ với bạn đọc khắp nơi; trong trường học, trong bộ đội, trong các cơ quan, xí nghiệp nhưng nhiều nhất có lẽ là trong nông dân. Đến nay có tới hơn hai nghìn cuộc. Có chuyến đi nói dọc các huyện từ Tuyên Quang lên Hà Giang do Thư viện Hà Tuyên mời. Có buổi nói chuyện ngoài trời rộng lớn Khu gang thép Thái Nguyên, lại có buổi vào tận phòng điều dưỡng thương binh, người nghe ngồi trên xe lăn, hay vào trại cai ma túy, người nghe lấy cái say thơ ghìm cơn đói thuốc. Cũng nói ở với các cán bộ sứ quán và bà con Việt kiều. Dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long Hà Nội, ông đã gần như có mặt hằng tuần trong suốt hai năm 2009-2010 trên Truyền hình Hà Nội tạo dựng các cuộc trò chuyện phổ cập và lý thú về lịch sử, văn hóa Thủ đô với các nhà sử học, các nghệ sĩ, các nhà văn.
Với Thủ đô hôm nay, Vũ Quần Phương chọn cách lên tiếng trong sự xây dựng với tính cách rất đặc trưng của mình. Nói về bút danh Vũ Công Dân, ông rủ rỉ: Là vì có một thời gian mình hay viết đóng góp về nhiều vấn đề trong đời sống thường ngày.
Nhà thơ Vũ Quần Phương cùng vợ ông, người mà như ông miêu tả với các con là “Mẹ con không làm thơ/Nhưng sống thơ hơn bố”, đã nuôi dạy hai con trai nên người là GS Toán học Vũ Hà Văn và kỹ sư Hãng Google Vũ Thanh Điềm hiện công tác tại Mỹ và Thụy Sĩ. Người ta nhắc nhiều đến niềm hạnh phúc lớn này của ông.
Nghĩ về ông cũng lại nhớ đến hình ảnh trang giấy trắng - nơi nhà thơ đối diện với chính mình, dẫu biết “Đi suốt đời người vẫn mênh mông trắng/Câu thơ thương người, ai thương câu thơ?!”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.