Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giàu hay nghèo, bắt đầu từ cách nghĩ

Sa Chi| 12/04/2015 05:53

(HNM) -

Ông Sáng kiểm tra sâu bệnh cây bưởi trong trang trại.


Từ những nhọc nhằn…

Nằm không xa trục đường dẫn vào trụ sở UBND xã, vượt qua con đê nhỏ La Thạch là tới khu vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Sáng. Nhìn trang trại rộng lớn, xanh mướt cây trái, đúng là rất khó để hình dung khu đất này hơn mười năm về trước - một khu "đất chết".

Con đường dẫn vào khu vườn trại dù chỉ là lối đi vừa đủ cho bước chân của một người nhưng vẫn được chủ nhân láng xi măng cẩn thận. Sau cánh cổng phên giậu bằng tre nứa, khu vườn mở ra trước mắt chúng tôi như một "công trình" đúng nghĩa, bởi nó chứa đựng tâm sức của con người. Tôi đã đến thăm nhiều mô hình vườn trại trên địa bàn thành phố, nên phần nào có thể hình dung được công sức mà vợ chồng ông Sáng đã đổ vào đây để vun lên vườn cây trái ngọt.

Khu đất ngoài đê gia đình ông Sáng thuê lại của HTX để phát triển kinh tế vườn trại trước là vùng đầm trũng, bỏ hoang. Tích cóp được 200 triệu đồng, ông đem nộp hết cho HTX để thuê 8.000m2 trong thời hạn 40 năm. Thế nhưng, thuê được đất thì "cụt" vốn, đất hoang lại tiếp tục bỏ hoang. Chạy hết ngân hàng này đến ngân hàng khác, không vay được tiền bởi thủ tục quá rườm rà, nhiêu khê, đành phải "gõ cửa" tất cả anh em, người thân, rồi bán cả chiếc xe tải đang là phương tiện chở thuê vật liệu xây dựng…, gom mãi cũng được hơn 200 triệu đồng, ông Sáng bắt tay ngay vào xây dựng mô hình trang trại. Đầu tiên, ông thuê người đào ao, lấy số đất đó cùng với mua đất bãi sông Hồng để nâng cốt vườn cao lên 70cm, cơ bản chống được úng ngập. Gần 300 gốc bưởi Diễn, 600 gốc cam Canh lần lượt được đưa về trồng; bên ao thả cá, khu chuồng trại chăn nuôi lợn cũng được hình thành. "Lấy ngắn nuôi dài" vẫn là cách làm hiệu quả nhất cho khu vườn trại nên các loại rau, đậu được trồng kín diện tích đất vườn. Miệt mài với niềm đam mê, vợ chồng ông Sáng hầu như quên hết mọi chuyện, chỉ khi phải đi mua cây, con giống, thực phẩm thì mới "bỏ" vườn một vài tiếng. Cực nhọc, vất vả dần trôi qua!

… đến quyết tâm "bày keo khác"

Theo tính toán của ông Sáng, nếu trời thương thì chỉ sau ba năm là vợ chồng ông sẽ trả hết nợ. Thế mà trận mưa lụt quái ác năm 2008 đã đẩy vợ chồng ông vào cảnh nợ nần. Bỏ công chăm chút hơn 600 gốc cam Canh tới 4 năm, những tưởng, sẽ thu được chí ít vài trăm triệu đồng… Vậy mà, hơn hai tuần mưa ngập đã làm tiêu tan vụ cam Canh đầu tiên. Công sức theo dòng nước ra sông, ra biển, tiếc đứt ruột, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. "Thua keo này, bày keo khác", hai vợ chồng lại cực nhọc đêm hôm với hy vọng vào một mùa trái ngọt. Xét về diện tích, cơ cấu, chủng loại cây trồng, vườn trại của gia đình ông Sáng rõ ràng khó có thể cạnh tranh với các trang trại lớn trong vùng. Hơn thế, 600 gốc cam Canh sau úng ngập, cây thoái hóa, quả kém chất lượng, thu không đủ chi phí đầu tư. Lựa chọn duy nhất của vợ chồng ông thời điểm này là quyết tâm thay đổi cơ cấu cây trồng. 600 gốc cam Canh thoái hóa đã bị loại bỏ hoàn toàn thay vào đó là hàng chục gốc táo đào vàng, một loại cây dễ trồng, ít tốn công sức, trồng đầu năm cuối năm đã cho quả. Nhưng để nâng cao thu nhập, sau hai năm, ông Sáng lại chặt bỏ các gốc táo đào vàng, thay thế bằng 100 gốc táo Đài Loan, quả to, giòn, ngọt được nhiều người tiêu dùng yêu thích. Ông nói với chúng tôi: Từ những kinh nghiệm của nghề nông, rồi tra cứu thông tin, đều đặn theo dõi các chương trình liên quan đến nông nghiệp, nông thôn trên ti vi, tôi thấy xu hướng nông nghiệp sạch đang chiếm ưu thế nên quyết thay đổi tư duy, sản xuất nông sản sạch. Hơn 100 gốc táo ngọt Đài Loan được trồng theo công nghệ mới, lấy sạch làm tiêu chí hàng đầu, công chăm sóc gấp hai ba lần cách thức sản xuất cũ, lại phải đầu tư hệ thống tưới nước, đóng cọc bê tông làm dàn đỡ cho cành và cây táo… Nhưng quan trọng hơn là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông sản sạch, táo hái từ cây người tiêu dùng có thể yên tâm dùng ngay mà không lo nhiễm thuốc trừ sâu hay bụi bẩn. "Đã có lúc thương lái vào thu mua quả yêu cầu vợ chồng tôi bôi thuốc vào quả đu đủ xanh và nói sẽ trả thêm 2 nghìn đồng/1kg, nhưng chúng tôi kiên quyết không bán quả non để họ tẩm thuốc…" - ông Sáng nói.

Đến nay, sau hơn 11 năm miệt mài lao động, gia đình ông Sáng đã có một cơ ngơi đủ để bà con trong xã nể phục. Có lúc vào dịp "sốt đất", ông Sáng cũng định nhượng lại khu vườn trại, nhưng tiền có thể trả hết nợ, còn mồ hôi, nước mắt, công sức vợ chồng đổ vào vườn thì tính sao…? Và đất đã không phụ công người. Vườn cây xanh tốt theo năm tháng. Đàn gà, vịt, lợn, rồi rau xanh đã cho nguồn thu ổn định; cây bưởi đã cho nguồn thu năm sau cao hơn năm trước, hơn 100 triệu đồng từ mỗi vụ táo, vợ chồng ông tiếp tục mở cửa hàng xay xát gạo, bán lẻ xi măng... Về quãng thời gian gây dựng vườn trại ông Sáng kể: "Có những lúc đứng ngắm vườn trại xanh mướt này, tôi vẫn không hiểu bằng cách nào mà vợ chồng tôi có thể vượt qua nhiều khó khăn như thế… Vốn liếng duy nhất mà gia đình chúng tôi có để gây dựng cuộc sống đủ đầy như ngày hôm nay chính là sức người. Cuộc sống giàu hay nghèo có lẽ đều bắt nguồn từ cách nghĩ, và phải thật sự dám nghĩ, dám làm".

Ông Đỗ Văn Thành, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thanh Đa nói với chúng tôi rằng: Xã Thanh Đa của huyện Phúc Thọ (Hà Nội) những năm gần đây đã chuyển hướng phát triển kinh tế, tạo ra những bước đột phá để vươn lên, đời sống người dân được cải thiện mỗi ngày. Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất nông nghiệp đối với bà con nông dân không phải là chuyện dễ, nên rất cần những con người tiên phong, tình nguyện vượt qua thử thách như gia đình ông Nguyễn Văn Sáng. Bây giờ đến xã Thanh Đa chọn gương điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình không còn là "chuyện khó" như những năm trước, bởi xã chúng tôi giờ đã có hơn 60 mô hình vườn trại cho thu nhập cao. Hộ ông Sáng ở trong tốp dẫn đầu mô hình nông dân làm kinh tế giỏi của xã Thanh Đa này đấy. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giàu hay nghèo, bắt đầu từ cách nghĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.