(HNMO) - Nhu cầu về tiền lẻ, tiền mới không xuất phát từ thanh toán mà để mừng tuổi, đi lễ... thường tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán. Vì thế, thời điểm này, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới tại chợ “đen” và trên mạng trở nên nhộn nhịp dù đây được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Đổi 1 triệu đồng, nhận 700 nghìn đồng
Vào thời điểm này, nhiều nhân viên ngân hàng sợ nhất là nhận được lời nhờ đổi tiền. Chị Quỳnh Chi, nhân viên một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội cho biết, cứ mỗi khi gần đến Tết âm lịch, chị lại nhận được nhiều lời nhờ đổi tiền từ người thân, bạn bè. “Nhận lời thì sẽ không đáp ứng được. Không nhận lời thì bị giận”, chị Chi than thở.
Dịch vụ đổi tiền lẻ trở nên sôi động dịp cuối năm (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Ghé vào một số điểm giao dịch của ngân hàng trên địa bàn để đổi tiền lẻ mới, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu không có.
Tại ngân hàng là vậy nhưng trên thị trường chợ “đen” thì ngược lại, người dân muốn đổi bao nhiêu cũng có. Theo lý giải, tiền lẻ mới này được tích trữ từ năm trước.
Dạo qua một lượt tại phố Đinh Tiên Hoàng, đoạn cắt phố Đinh Lễ, không khó để bắt gặp những người làm dịch vụ đổi tiền tại đây. Vào vai một người đi đổi tiền, chúng tôi vừa dừng xe đã được một chị trung tuổi chạy ra mời đổi. “Chỉ tiền mệnh giá 500 đồng không có, còn lại tiền gì cũng có. Mức phí đổi tùy thuộc vào mệnh giá và số lượng cần đổi. Phí đổi không cố định mà thay đổi theo ngày”, chị này nói.
Theo chị, nếu đổi hôm nay, mức phí với tiền mệnh giá 1.000 đồng là 10 "ăn" 7, tức đưa 1 triệu đồng tiền cũ thì người đổi chỉ nhận được 700 nghìn đồng tiền mới. Sở dĩ mức phí đổi cao “cắt cổ” như vậy bởi tiền mệnh giá 1.000 đồng không dồi dào; phí đổi tiền mệnh giá 2.000 đồng là 10 "ăn" 8,5. Với những tiền mệnh giá lớn hơn, phí đổi sẽ thấp hơn. Lấy lý do không mang tiền theo, chúng tôi hẹn hôm sau quay lại, chị đưa số điện thoại để chúng tôi tiện liên lạc.
Trên mạng, không ít lời mời chào đổi tiền với đủ mệnh giá từ 1.000 đồng đến 100.000 đồng, nguyên seri, có thể chọn giao tiền tận nhà hoặc đến lấy trực tiếp. Ngoài tiền VND, tiền 2 USD cũng được quảng cáo khá nhiều.
Gọi đến một số điện thoại, người đầu dây bên kia cho biết, nếu đổi với số lượng lớn sẽ được chuyển đến tận nơi và không mất phí vận chuyển. Tuy nhiên, đổi với số lượng ít (dưới 10 triệu đồng), người đổi phải trả thêm tiền cho người giao hàng.
Mức phí đổi tiền tại đây “mềm” hơn. Chẳng hạn, đổi tiền mệnh giá 2.000 đồng, phí là 10%; tiền mệnh giá 5.000 đồng, phí là 7%; với tiền mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng, mức phí lần lượt là 8% và 5%.
Đổi tiền lẻ trái phép có thu phí bị phạt 20-40 triệu đồng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nhằm hạn chế những tiêu cực và tiết giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước, trong dịp Tết Nguyên đán 2019, NHNN tiếp tục chủ trương không đưa các loại tiền mới in 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện không đưa ra loại tiền 10.000 đồng mới in.
Các loại tiền có mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống đã qua sử dụng đủ tiêu chuẩn lưu thông vẫn tiếp tục được cung ứng bình thường, đầy đủ cho nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Chủ trương này trong năm 2019 dự kiến sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 390 tỷ đồng, nâng tổng số tiền tiết kiệm được do không phát hành tiền nhỏ lẻ mới in trong dịp Tết từ năm 2013 đến nay lên gần 2.590 tỷ đồng.
NHNN đảm bảo cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông, không phân biệt tiền mới hay đã qua sử dụng (kể cả trong dịp Tết Nguyên đán) để đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.
“Về nguyên tắc, đồng tiền phải được quay vòng sử dụng nhiều lần đến khi không đủ tiêu chuẩn lưu thông thì NHNN mới thu hồi về để tiêu hủy và đưa tiền mới ra thay thế”, đại diện NHNN nói.
Cơ quan quản lý này đang rà soát và nghiên cứu sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử lý các hành vi kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch.
NHNN tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố kiểm tra, xử lý kiên quyết những vi phạm liên quan đến đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch ngoài thị trường theo quy định tại Nghị định 96 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm, lợi dụng tiếp tay đổi tiền hưởng lợi bất chính của cán bộ trong ngành ngân hàng.
Theo quy định, những trường hợp đổi tiền lẻ trái phép có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.