Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao thông và sự kết nối

Nữ Quỳnh| 26/06/2010 05:50

(HNM) - Dễ thấy, những bức xúc về nạn ùn tắc trong giao thông ở Hà Nội đã trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Cũng dễ hiểu khi tốc độ phát triển đô thị quá nhanh mà hạ tầng không theo kịp nên có lúc việc giải quyết vấn đề trở nên luẩn quẩn, bịt được chỗ này lại phình ra chỗ khác. Nhiều hội thảo được tổ chức, nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, nhiều dự án nghiên cứu được tiến hành. Ngay hôm qua, một cuộc hội thảo quốc tế lớn đã được tổ chức tại Hà Nội để mổ xẻ các vấn đề giao thông nội đô với kỳ vọng tìm được hướng đi phù hợp.


Cũng thời điểm này, một thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận là bản phúc trình của Vinaconex gửi Thủ tướng Chính phủ, xin chủ trương đầu tư dự án tàu trên cao một ray theo tuyến đường Láng - Hòa Lạc. Với chiều dài 38km, có lộ trình Nam Hồ Tây - cuối đường Liễu Giai - phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng và kết thúc tại ĐH Quốc gia (Hòa Lạc), dự kiến công trình này sẽ cần khoảng gần 6.000 tỷ đồng. Xung quanh đề xuất này đang có những quan điểm khác nhau, có những lo lắng về kinh tế và có cả những băn khoăn về tính hiệu quả khi năng lực vận tải của nó về lý thuyết chỉ là 5.120 người/giờ.

Đương nhiên, thêm một tuyến vận tải công cộng hiện đại cho Hà Nội vào lúc giao thông đang căng thẳng như hiện nay là điều đáng mừng. Nhưng để tìm một giải pháp cho giao thông của Thủ đô thì chắc chắn không phải là chuyện trong một sớm một chiều. Hà Nội đang rất cần một giải pháp tổng thể, cả về hạ tầng và các vấn đề xã hội liên quan. Gần đây, chúng ta đã nghe về một loạt dự án giao thông lớn, được kỳ vọng giải tỏa nạn ùn tắc, điển hình như các dự án đường sắt đô thị trên cao đang được triển khai, hay như kế hoạch xây dựng đường bộ trên cao nội đô mới được UBND TP chấp thuận gần đây. Nhưng chúng ta chưa thấy rõ được sự kết nối giữa các công trình này.

Thực tế, mỗi dự án đều đã tính đến hiệu quả của nó, nhưng xét trên quy hoạch tổng thể thì còn nhiều vấn đề phải xem xét. Một ví dụ điển hình là mấy năm qua ở Hà Nội nhiều hầm đi bộ cắt qua các nút giao thông trọng điểm được xây dựng, nhưng hiệu quả của chúng còn rất mờ nhạt, thậm chí nhiều hầm chui còn chưa được sử dụng, người tham gia giao thông không đi…

Khuyến khích các dự án lớn, hiện đại, nhưng cũng cần tính đến các yếu tố xã hội, mang tính chiến lược. Thủ đô đang cận kề dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và Nhà nước cũng đang tập trung xây dựng quy hoạch chung cho Vùng Thủ đô. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, đây chính là cơ hội để xem xét hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, coi đó như khâu đột phá chiến lược, làm nền tảng cho các quy hoạch khác. Dù là đề án giao thông đường bộ, đường sắt hay đường thủy thì cũng phải xét đến hiệu quả lâu dài, tính toán kỹ lưỡng trên toàn bộ các yếu tố kinh tế - xã hội khác.

Cân nhắc chi phí, hiệu quả của dự án (đường sắt hay đường bộ trên cao), nhưng cũng cần tính đến thực tế liệu người dân có sẵn sàng bỏ xe máy để sử dụng tàu điện? Liệu người dân có chịu đi tàu từ nhà vào trung tâm, rồi sau đó lại tiếp tục đi xe ôm để đến công sở? Với dự án đường sắt một ray, chi bao nhiêu tiền có lẽ chưa phải là điều quan trọng nhất, mà vấn đề là tuyến đường có tính chất huyết mạch như vậy sẽ kết nối như thế nào với hệ thống giao thông tổng thể ở Thủ đô là chuyện phải được tính đến.

Bởi vậy, mỗi một công trình giao thông cho Hà Nội phải được nằm trong tổng thể quy hoạch giao thông có tầm nhìn xa và phải được kết nối vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính kinh tế - xã hội sâu sắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giao thông và sự kết nối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.