(HNMCT) - Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà là người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ piano của nước ta. Thừa hưởng tình yêu và tâm huyết từ người mẹ của mình - Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên, cả cuộc đời của Giáo sư Trần Thu Hà được dành cho cây đàn piano, góp phần xây dựng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và đào tạo các thế hệ nghệ sĩ piano cho nền âm nhạc nước nhà. Với những cống hiến miệt mài, tâm huyết trên cả 3 lĩnh vực: Đào tạo, biểu diễn và quản lý, nghệ sĩ Trần Thu Hà được phong Giáo sư, Nhà giáo nhân dân và danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, Huy chương “Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam”.
- Năm 8 tuổi, sau một thời gian sống trong trại nhi đồng, bà mới chính thức được mẹ là Nhà giáo nhân dân Thái Thị Liên dạy đàn. Giáo sư Trần Thu Hà còn nhớ cảm xúc lúc ấy như thế nào?
- Thế hệ chúng tôi không có nhiều điều kiện thuận lợi như các bạn trẻ bây giờ. Khi đất nước còn chiến tranh, tôi cũng không được ở gần bố mẹ để có điều kiện học tập. Sau này trở về Hà Nội, được chạm tay vào cây đàn tôi vô cùng thích thú, say mê.
Thuận lợi khi có mẹ là người hướng dẫn, chỉ bảo nhưng trong điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất, việc học đàn cũng phải tranh thủ. May mắn là mẹ tôi vừa hoạt động biểu diễn, vừa giảng dạy nên được nhà trường cho mượn đàn để dạy học tại nhà. Thời gian để tôi luyện tập cũng không nhiều, nhưng mỗi lần tập tôi rất tập trung, nếu có sai sót thì được mẹ “chấn chỉnh” ngay.
Đến bậc trung cấp thì chúng tôi phải đi sơ tán. Không như các nhạc cụ khác dễ di chuyển, cây đàn piano thường to, cồng kềnh. Thế mà khi chúng tôi đến sơ tán ở Bắc Giang, người dân địa phương vẫn đồng ý cho đặt đàn piano trong nhà. Nhưng bản thân cây đàn piano có âm lượng to, tần suất làm việc từ sáng đến tối, thực sự ảnh hưởng đến sinh hoạt của mọi người. Ban ngày cũng phải nghe tiếng máy bay nữa chứ. Vì thế, một thời gian sau nhà trường quyết định di chuyển khoa Piano ra ngoài, đào hầm xa khu vực nhà dân để học. Tôi vẫn nhớ hồi ấy chúng tôi thường học dưới ánh đèn dầu, tất cả giáo trình đều phải chép tay. Tôi khâm phục Nhà nước mình trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, có những cái rất cấp thiết, giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết nhưng vẫn cố gắng duy trì công việc đào tạo về âm nhạc.
- Bà còn nhớ những bản nhạc từng chơi trong hầm trú ẩn?
- Trong kỳ thi tốt nghiệp trung cấp âm nhạc và chuẩn bị lên đại học, tôi đã thi bài "Sonat ánh trăng” - một bản nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Beethoven. Tình cờ hôm đó là ngày rằm nên trăng rất sáng. Hồi ấy, những buổi thi thường được tổ chức vào buổi tối, trong ánh đèn bão, nếu có máy bay địch thì tất cả đều dừng lại, đèn thì phải tắt hết. Sau khi có thông báo là đã an toàn, chúng tôi lại tiếp tục cuộc thi và không được bật đèn nữa. Tôi đã đánh bản "Sonat ánh trăng” dưới ánh trăng. Tôi nhớ mãi kỷ niệm ấy và xem đó là động lực để tôi cố gắng hơn nữa.
- Được biết, cách đây không lâu bà đã hoàn thành việc biên soạn, hiệu đính công trình 3 tập “Tuyển tập các tác phẩm âm nhạc Việt Nam cho đàn piano”, góp phần bổ sung cho giáo trình dạy piano tại nước ta?
- Từ thời mẹ tôi và các thế hệ giảng viên trước tôi như PGS Nguyễn Hữu Tuấn, Nhà giáo ưu tú Trần Thanh Thảo đã làm những tuyển tập tác phẩm âm nhạc Việt Nam viết cho piano, chủ yếu dành cho cấp học sơ, trung. Còn tôi chủ yếu biên soạn những tác phẩm lớn dành cho cấp đại học và cao học, chia ra làm 3 tập. Hiện tại, tuyển tập này đã được lưu hành nội bộ, phục vụ cho việc giảng dạy, còn việc phổ cập ra ngoài cần thêm một thời gian nữa.
Một điều nữa là trong giáo trình giảng dạy piano toàn quốc, trong từng năm học bắt buộc phải có bài của Việt Nam. Đó cũng là lý do tôi thực hiện giáo trình “Tuyển tập các tác phẩm âm nhạc Việt Nam cho đàn piano”. Giáo trình đó là bắt buộc, giúp cho các thế hệ giảng viên chọn bài được chuẩn xác, mở rộng chương trình của mình trong lĩnh vực giới thiệu tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam viết cho piano.
- Gắn bó với cây đàn piano, với công tác quản lý tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tham gia nhiều chương trình biểu diễn lớn ở trong và ngoài nước nhưng bà từng chia sẻ rằng suốt cuộc đời chỉ mong muốn làm một giáo viên dạy nhạc mà thôi?
- Mong ước của tôi là làm một người thầy về nghệ thuật, cũng là nối nghiệp truyền thống gia đình. Đương nhiên ngành học này bao gồm cả kiến thức, kỹ năng, song song với công việc giảng dạy thì tôi cũng tham gia chương trình biểu diễn, nhưng hoạt động đào tạo vẫn là chủ đạo. Đặc thù của ngành nghệ thuật không chỉ là phổ cập âm nhạc mà còn góp phần tìm kiếm, đào tạo tài năng. Tài năng ấy phải được phát hiện, bồi dưỡng từ nhỏ với những quy trình khác nhau. Hiện nay, đội ngũ giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã đông đảo hơn trước, được đào tạo bài bản ở những cái nôi âm nhạc lớn trên thế giới. Còn tôi vẫn muốn dạy các em ở bậc học trung cấp, khi các em phần nào bộc lộ tiềm năng phát triển.
- Trân trọng cảm ơn Nhà giáo nhân dân Trần Thu Hà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.