Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao lưu trực tuyến “Lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt”

Nhóm PV HNMO| 21/12/2017 13:46

(HNMO) – Chiều nay (21-12), Báo Hànộimới, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội phối hợp tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Lan tỏa những tấm gương Người tốt, việc tốt”. Tham gia buổi giao lưu có đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội, Báo Hànộimới cùng các khách mời là những tấm gương người tốt, việc tốt đã được giới thiệu trên Báo Hànộimới trong năm 2017.

16:34 21/12/2017

 Phát biểu bế mạc cuộc  giao lưu trực tuyến “Lan tỏa những tấm gương Người tốt, việc tốt”, bà Mai Thị Kim Thoa, Phó Tổng biên tập Báo Hànộimới chia sẻ, sau hơn 2 giờ đồng hồ giao lưu trực tuyến “Lan tỏa những tấm gương Người tốt, việc tốt” với hàng chục ý kiến hỏi, đáp và phát biểu từ các khách mời, lãnh đạo các đơn vị tham gia giao lưu đã cho thấy những tấm gương người tốt, việc tốt luôn nhận được sự quan tâm, ghi nhận, trân trọng của cộng đồng. Theo thống kê, mỗi ngày Báo Hànộimới Điện tử có khoảng 500.000 lượt bạn đọc truy cập, tương ứng hơn 20.000 lượt/giờ. Trong hơn 2 giờ đồng hồ vừa qua đã có khoảng 10.000 lượt truy cập theo dõi buổi giao lưu của chúng ta. Điều này cho thấy buổi giao lưu đã lan tỏa, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc".

PV Báo Hànộimới với các nhân vật điển hình


 Phó Tổng biên tập Báo Hànộimới Mai Thị Kim Thoa nhấn mạnh, qua buổi giao lưu, bạn đọc Báo Hànộimới sẽ có cơ hội tìm hiểu, thêm phần hiểu rõ những tấm gương người tốt việc tốt, và cảm phục những việc làm bình dị những cao quý của các bác, các anh, các chị. Với cương vị những người làm báo, cũng xác định rõ thêm trách nhiệm của mình là phải tuyên truyền rộng rãi hơn đến bạn đọc những tấm gương người tốt việc tốt để chia sẻ và nhân rộng hơn những tấm gương này trên địa bàn thành phố Hà Nội. Báo Hànộimới sẽ luôn chủ động bám sát các phong trào thi đua của Thành phố để kịp thời tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt của Thủ đô.

16:29 21/12/2017

Cũng tại cuộc giao lưu, Ban tổ chức đã công bố quyết định tặng bằng khen cho PGS,TS. Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội vì đã có thành tích trong nghiên cứu hóa học, tạo ra thiết bị lọc nước bẩn thành nước sạch, góp phần giúp đỡ người dân vùng có nước bị ô nhiễm trong việc sử dụng nước phục vụ đời sống, sinh hoạt và danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2017 cho bà Nguyễn Thị Ngọc Chang, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai với việc làm tốt, đóng góp cho cộng đồng.

16:20 21/12/2017

Bạn đọc Nguyễn Đăng Dũng (quận Hoàn Kiếm) hỏi ông Phùng Minh Sơn, Trưởng ban Thi đua Khen thưởng thành phố: "Có bao nhiêu tấm gương được khen thưởng trong thực hiện Năm kỷ cương hành chính, hiệu quả của công tác thi đua khen thưởng gắn với chủ đề này như thế nào"

Ông Phùng Minh Sơn: Hà Nội hiện nay đang thực hiện thông điệp của chính phủ là xây dựng “Chính phủ phục vụ, Chính phủ hành động”. Qua trao đổi của chị Nguyễn Thị Kim Anh và chị Lê Bích Trang, tôi thấy tác động của công tác thi đua khen thưởng của thành phố đã ngấm rất sâu vào các bộ phận một cửa, hành chính. Các cán bộ hành chính đã biến những điều máy móc trong công việc thành kỹ năng, là niềm vui trong công việc.

Đối với Hà Nội, ngoài cuộc thi viết về gương điển hình “Người tốt, việc tốt”, thành phố còn tập trung phát hiện những tấm gương người tốt, việc tốt ở lĩnh vực đô thị, cải cách hành chính... Năm nay, thành phố mới khen thưởng được 20 người, số lượng chưa nhiều. Qua cuộc tọa đàm này, chúng tôi mong muốn bạn đọc khi tiếp xúc với các cơ quan công quyền sẽ phát hiện thêm những cán bộ có việc làm tốt, làm đúng trách nhiệm để thành phố có đánh giá và khen thưởng. Chúng tôi hy vọng, bạn đọc cùng góp sức với chính quyền để xây dựng Thủ đô ngày thêm phát triển.

16:18 21/12/2017

Bạn đọc Nguyễn Lan Hương có địa chỉ email lanhuong_76@gmail.com đặt hai câu hỏi cho ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch phường Thạch Bàn (quận Long Biên):

Sau khi áp dụng giải pháp của chị Trang, về phía chính quyền cũng như người dân có thuận lợi không? Cần làm gì để tạo môi trường, cơ chế thúc đẩy cán bộ, công chức nghiên cứu sáng kiến, giải pháp, phục vụ nhân dân tốt hơn nhằm thực hiện tốt chủ đề năm 2018 là Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị?”.

Ông Nguyễn Văn Cảnh

Ông Nguyễn Văn Cảnh:  Công tác hành chính là một trong những vấn đề rất được người dân quan tâm nên áp lực đối với bộ phận một cửa ngày càng tăng cao. Với một địa bàn đang trong quá trình đô thị hóa, phường Thạch Bàn có 15 đến 20 hecta đất công nghiệp nên việc giải quyết thủ tục hành chính càng được chú trọng.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính làm sao vừa đúng quy định của phát luật, vừa thực hiện được các sáng kiến là điều mà chúng tôi luôn trăn trở. Với tư cách cán bộ phường, chúng tôi đặt ra mục tiêu làm việc tốt cho người dân là làm tốt cho bản thân chúng tôi và chúng tôi vẫn luôn quan tâm, động viên cán bộ, công chức cải tiến công việc để người dân đỡ phải đi lại hơn, đỡ kêu ca, phàn nàn...

Trong thời gian qua, chúng tôi đã giúp các hộ dân làm thủ tục hành chính được nhanh chóng và dễ dàng hơn, thường xuyên huy động cán bộ, công chức bằng kinh nghiệm của mình kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc cho người dân tốt hơn. Đặc biệt, đối với các thủ tục khai sinh, khai tử, như các bạn đã biết, khi gia đình có người mất, việc làm thủ tục cũng rất bối rối, nên cán bộ phường đã đến tận nơi tiếp nhận hồ sơ, chậm nhất là 60 phút, lãnh đạo phường phải trao giấy chứng tử cho người dân.

Đối với thủ tục được quan tâm khác như Giấy khai sinh, cán bộ phường cũng trao một thiếp chúc mừng, bó hoa, cùng với giấy khai sinh đến tận hộ dân cư.

16:06 21/12/2017

Bạn đọc Nguyễn Đức Hải (huyện Thanh Trì) hỏi chị Lê Bích Trang: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính là cần thiết, song cũng không phải là việc dễ dàng và thậm chí, đôi khi còn có những “rào cản”. Vậy chị có gặp khó khăn gì trong vấn đề này không? Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính?

Chị Lê Bích Trang: Đối tượng phục vụ của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đa dạng, gồm hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn ảnh đặc biệt khó khăn… Sự quan tâm, chia sẻ của chúng ta với họ có ý nghĩa quan trọng. Việc này đôi khi có rào cản do khách quan và chủ quan.

Về khách quan, trình độ của người dân không đồng đều. Không phải người dân nào cũng có hiểu biết về công nghệ thông tin để thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng. Trong quá trình thực hiện, có những người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính không có sự hợp tác với cán bộ để giải quyết công việc.

Về chủ quan, một số cán bộ chưa nắm rõ được quy định của pháp luật, chưa nhiệt tình, chưa tâm huyết, chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình cũng là yếu tố cản trở việc thực hiện thủ tục hành chính. Các văn bản hành chính đôi khi chưa thống nhất, có thể văn bản mới ra đời nhưng chưa có sự nối tiếp với văn bản cũ..

Kinh nghiệm là, đối với cán bộ công chức phải có tinh thần cầu thị, học hỏi, nghiên cứu kỹ các văn bản quy định của nhà nước, từ đó có sự vận dụng linh hoạt; phải có trách nhiệm với công việc, đặt mình vào vị trí của người đi làm thủ tục hành chính, từ đó thấy được những bất cập, khó khăn và đưa ra giải pháp phù hợp; bố trí sắp xếp thời gian khoa học để các công việc không bị chồng chéo.

Công tác tuyên truyền về các thủ tục hành chính cho người dân có vai trò rất quan trọng. UBND phường Thạch Bàn đã thành lập tổ tư vấn gồm các cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân khi có yêu cầu thông qua điện thoại trong việc thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại khu dân cư, tổ dân phố.

Bên cạnh đó, các quy định của cơ quan nhà nước khi ban hành nên có sự đồng bộ, xuyên suốt, mang tính ổn định, lâu dài, dễ hiểu đối với người dân.

16:04 21/12/2017

Chị Lê Bích Trang, công chức Văn hóa - xã hội, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, ngoài việc thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức của một đảng viên, công chức của phường, còn tâm huyết đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội. Chị là người đã đề xuất gộp hai thủ tục hành chính “Cấp giấy xác nhận khuyết tật” và “Giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng” thành thủ tục hành chính với tên gọi: “Cấp giấy xác nhận khuyết tật và giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng”. Giải pháp đó đã đạt giải Nhất cuộc thi "Tìm kiếm sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính" do TP Hà Nội tổ chức.

Chị Lê Bích Trang (giữa ảnh)


Bạn đọc phongthu@gmail.com ở quận Hoàng Mai đặt câu hỏi: “Động lực nào để chị quyết định đề xuất gộp hai thủ tục hành chính nêu trên?”

Chị Lê Bích Trang: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 16 đã lựa chọn cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015-2020. Tại hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra ngày 04/6/2016, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh “Cải cách hành chính, nhiệm vụ sống còn”. Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy cải cách hành chính có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển của Thủ đô và đất nước.

Người khuyết tật là đối tượng yếu thế trong xã hội, thực hiện tốt chính sách cho người khuyết tật góp phần rất lớn đối với chính sách an sinh xã hội của mỗi địa phương và của cả quốc gia. Thực tế hiện nay, trên địa bàn phường có khoảng 150 người khuyết tật ở tất cả các mức độ khuyết tật từ nhẹ đến nặng và đặc biệt nặng.

Với vị trí là cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp cơ sở, trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đối với người khuyết tật hoặc thân nhân của họ khi đi làm thủ tục “Đề nghị trợ cấp hàng tháng đối với người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng”, tôi thấy rất bất cập về thời gian và công sức của người dân. Để thực hiện được quy trình này, công dân phải thực hiện quy trình cấp giấy xác nhận khuyết tật lần đầu với thời gian là 30 ngày, sau đó nếu kết quả Giấy chứng nhận khuyết tật là nặng hoặc đặc biệt nặng, họ tiếp tục thực hiện quy trình tiếp theo với thời gian là 25 ngày. Vậy tổng thời gian giải quyết là 55 ngày với số lần đi lại của công dân là 4 lần, trong khi đó, chức năng giải quyết của phường với cơ quan thường trực là bộ phận Lao động Thương binh và xã hội hoàn toàn có thể khắc phục được những bất cập đó để rút ngắn thời gian và công sức cho người dân.

Do vậy, tôi đã mạnh dạn đề xuất cải tiến gộp 2 thủ tục này thành 1 thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết từ 55 ngày xuống còn 20 ngày, như vậy rút ngắn được 35 ngày và người dân chỉ đến nộp hồ sơ và lấy kết quả 1 lần. Cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật, gia đình người khuyết tật về cả vật chất lẫn tinh thần là việc làm hết sức quan trọng cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở. Năm 2017, chúng tôi đã áp dụng cách làm này và được người dân rất ủng hộ.

15:59 21/12/2017

 Bạn đọc Nguyễn Mạnh Thắng (huyện Hoài Đức) hỏi chị Nguyễn Thị Kim Anh: “Nhiều người vẫn nói là làm việc ở bộ phận “một cửa” rất căng thẳng, áp lực, rồi cán bộ hay cau có, có thái độ không đúng mực với người dân. Nhưng thực tế thì chị vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vậy chị làm thế nào để “hóa giải” điều đó?”

Chị Nguyễn Thị Kim Anh

Chị Nguyễn Thị Kim Anh: Trước hết xin bày tỏ lời cảm ơn tới bạn đọc Mạnh Thắng, chính câu hỏi của bạn đã thể hiện sự chia sẻ với chúng tôi, những cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận thủ tục hành chính tại các cơ quan thuộc thành phố.


Tôi nhận thấy công việc nào cũng có áp lực, không chỉ là cán bộ ở công tác "một cửa". Tôi nghĩ, việc Báo Hànộimới và Ban Thi đua Khen thưởng thành phố tổ chức buổi tọa đàm như sưởi ấm thêm những nỗ lực của chúng tôi.

Đối với công tác tiếp nhận hồ sơ không quá áp lực so với những công việc khác nhưng tôi luôn tâm niệm chính mình phải tạo cho mình một ngày vui, đến cơ quan phải làm cho mọi người vui vẻ. Vì thế, ngoài việc nâng cao nghiệp vụ thì mình phải biết lắng nghe, chia sẻ, tôn trọng mọi người.

Bộ phận "một cửa" nơi tôi làm việc, hàng ngày tiếp từ 50 – 60 lượt người. Cũng có nhiều người đến với tâm lý phòng bị, căng thẳng và khó tính, vì thế mình phải hóa giải bằng cách nở nụ cười và vui vẻ trong việc tiếp nhận hồ sơ, tạo cho người đến cảm giác đến là để trao đổi chứ không phải cảm giác gặp người có quyền hành.

15:56 21/12/2017

Một độc giả gửi câu hỏi cho chị Nguyễn Kim Anh, công chức Văn phòng của Sở Kế hoạch và Đầu tư: “Chị làm việc ở bộ phận “một cửa” được bao lâu rồi? Và chị tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực nào?”

Chị Nguyễn Thị Kim Anh: Năm 2009, tôi về công tác tại Văn phòng của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, công việc đầu tiên của tôi là tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Từ năm 2009 đến nay, sau khi luân chuyển qua một số nhiệm vụ khác, hiện tôi đang tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực đầu tư nước ngoài và đầu tư xây dựng trong nước. Kinh nghiệm có thể nói là gần 8 năm.

15:54 21/12/2017

 Bạn đọc Nguyễn Thanh Huyền (huyện Đông Anh) hỏi: “Là người lâu năm gắn bó với công tác tài nguyên và môi trường, một lĩnh vực luôn có nhiều vấn đề “nóng”, ông có điều gì còn trăn trở, ấp ủ thực hiện trong thời gian tới không?

Ông Nguyễn Doãn Họa: Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ngoài ô nhiễm môi trường đang ở mức độ báo động thì đất đai cũng là một điểm nóng cần được quan tâm. Đặc biệt là vấn đề vi phạm trật tự xây dựng phá vỡ cảnh quan của thành phố và việc quản lý đất công lỏng lẻo gây lãng phí tài nguyên đất và hủy hoại đất. Đây cũng là hai vấn đề lớn mà tôi còn trăn trở. Trong thời gian tới, tôi hy vọng các cấp, các ngành cùng chung tay góp sức để lĩnh vực tài nguyên và môi trường không còn là một điểm nóng như hiện nay.

15:53 21/12/2017

Bạn đọc ở huyện Gia Lâm có địa chỉtienthanhgl@gmail.com đặt câu hỏi với ông Nguyễn Doãn Họa, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm:

Thời gian qua, giải pháp “Quản lý sử dụng đất bãi rác thải hợp lý trên địa bàn huyện Gia Lâm đã được áp dụng trên địa bàn huyện đem lại hiệu quả trong việc phân loại rác, bảo vệ môi trường. Ông cho biết xuất phát từ đâu mà ông lại nghiên cứu sâu về việc này để đưa ra được giải pháp có ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn?”

Ông Nguyễn Doãn Họa 


ÔngNguyễn Doãn Họa: Huyện Gia Lâm là huyện ngoại thành bao gồm 2 thị trấn và 20 xã với trên 100 đơn vị hành chính sự nghiệp, hơn 1.000 doanh nghiệp và khoảng hơn 10.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể, bên cạnh đó là các khu công nghiệp, khu đô thị, khu chung cư dần hình thành. Những năm gần đây, nhờ các chính sách đầu tư của nhà nước cũng như xu thế phát triển chung của cả nước, nền kinh tế của huyện đã có những bước phát triển rõ rệt. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy đã làm cho lượng rác thải của huyện tăng lên nhanh chóng.

Với vai trò là một người dân của huyện và cũng là một công chức ngành Tài nguyên - Môi trường, tôi nhận thấy bản thân mình cần phải làm một điều gì đó để đóng góp cho quê hương cũng như làm tròn bổn phận của người công chức. Chính vì vậy, sáng kiến đánh giá và đề xuất hướng sử dụng đất bãi rác thải hợp lý trên địa bàn huyện Gia Lâm ra đời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giao lưu trực tuyến “Lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.