(HNMO) - Sáng 23/12, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến trên Báo Hànộimới điện tử với chủ đề: “Chung tay cải cách thủ tục hành chính năm 2016”.
10:14 23/12/2016
Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới Lê Tiến Dũng phát biểu kết thúc buổi giao lưu trực tuyến. |
Phát biểu kết thúc buổi giao lưu, ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, trong một buổi sáng với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tập trung, các vị khách mời đã trả lời giao lưu trực tuyến 20 ý kiến bạn đọc. Những ý kiến của các độc giả và trả lời của các vị khách mời đã được cập nhật liên tục trên Báo Hànộimới điện tử. Ngoài ra, bạn đọc còn có thể tham gia đường dây nóng của Sở Tư pháp và các ban, ngành chức năng để tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề mình quan tâm.
Thay mặt Ban Tổ chức, ông Lê Tiến Dũng trân trọng cảm ơn sự có mặt của các vị khách mời và sự quan tâm theo dõi của các độc giả, kính chúc quý vị khách mời, quý độc giả và các bạn đồng nghiệp sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
10:12 23/12/2016
Bạn đọc Nguyễn Minh Chính ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy hỏi: Tôi chưa hiểu thế nào là cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Ông Lưu Kiếm Anh - Phó phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ trả lời:
Căn cứ Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, ngày 8/3/2016, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Tại Điều 1 Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND ngày 8/3/2016 của UBND Thành phố đã xác định rõ:
“Điều 1. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông
1. Cơ chế một cửa là cách thức giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước trong việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước.
2. Cơ chế một cửa liên thông là cách thức giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước trong việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của một cơ quan hành chính nhà nước".
10:12 23/12/2016
- Độc giả Phùng Thị Ích, ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm hỏi: Em năm nay 20 tuổi, vợ em mới đủ 16 tuổi. Vậy khi làm giấy khai sinh cho con có thể điền đầy đủ thông tin về vợ em không?
Bà Ngô Hồng Thủy-Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm trả lời:
Theo quy định, tuổi để kết hôn là nam giới phải đủ 20 tuổi, nữ giới đủ 18 tuổi. Trong trường hợp này, vợ của người hỏi chưa đủ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, nội dung hỏi liên quan đến cấp giấy khai sinh cho trẻ em, mà mục đích là bảo vệ quyền trẻ em có cha và mẹ trong giấy khai sinh. Dù người mẹ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng khi giải quyết vấn đề này, phần khai thông tin người mẹ vẫn được ghi đầy đủ theo quy định của pháp luật.
10:11 23/12/2016
Độc giả Tô Văn Dinh, ở xã Hiển Ninh, huyện Sóc Sơn hỏi: Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho đối tượng là công dân Việt Nam không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thực hiện thế nào?
Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng Lý lịch tư pháp trả lời:
Theo quy định điều 44 của Luật Tư pháp thì Sở Tư pháp sẽ cấp phiếu Lý lịch tư pháp cho công dân là người Việt Nam. Còn công dân nước ngoài sẽ do Trung tâm lý lịch tư pháp Trung ương sẽ cấp lý lịch tư pháp cho người nước ngoài. Trong trường hợp bạn là công dân Việt Nam không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thì lên Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia tại số 9 Trần Vĩ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội để cấp lý lịch tư pháp.
10:05 23/12/2016
Độc giả Lý Thu Minh, ở huyện Chương Mỹ hỏi: UBND quận từ chối cấp đăng ký kinh doanh cho chồng tôi nhưng không trả lời bằng văn bản. Xin hỏi, tôi có quyền yêu cầu họ trả lời bằng văn bản không, vì theo tôi được biết việc từ chối này là vi phạm?
Bà Ngô Hồng Thủy - Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm trả lời:
Theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội, như sau:
Công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ theo quy định phải tiếp nhận hồ sơ; nhập thông tin vào Sổ theo dõi hồ sơ; lập giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đầy đủ theo quy định: Hướng dẫn cụ thể, đầy đủ, một lần: Lập phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, giao cho người nộp hồ sơ.
Đối với hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết: Liên hệ với cá nhân, tổ chức để trả lại hồ sơ kèm theo văn bản thông báo không đủ điều kiện giải quyết hồ sơ. Thông báo được nhập vào mục trả kết quả trong Sổ theo dõi hồ sơ. Như vậy, UBND quận từ chối cấp đăng ký kinh doanh cho bạn, bạn có quyền yêu cầu trả lời bằng văn bản.
10:04 23/12/2016
Độc giả Vũ Hồng Minh, ở phường Cát Linh, quận Đống Đa đề nghị cho biết những kết quả nổi bật trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2016? Số điện thoại đường dây nóng do đơn vị nào phụ trách, đã tiếp nhận bao nhiêu phản ánh, xử lý đến đâu?
Những cải cách của CATP Hà Nội giúp người dân thuận tiện khi làm thủ tục xin cấp hộ chiếu và thủ tục hành chính nói chung. |
Ông Nguyễn Bá Vinh - Trưởng phòng Kiểm soát Thủ tục hành chính trả lời: Trong năm 2016, Sở đã tham mưu trình UBND thành phố ban hành 4 kế hoạch, 2 văn bản chỉ đạo, đôn đốc cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính; chủ trì phối hợp sở, ngành, UBND cấp huyện rà soát, đánh giá thủ tục hành chính đối với 475 thủ tục, kết quả đã trình Chủ tịch UBND Thành phố quyết định đơn giản hóa 183 thủ tục (đạt tỷ lệ trên 38%); tham mưu tổ chức thành công cuộc thi “Tìm kiếm sáng kiến cải cách thủ tục hành chính” trên địa bàn Thành phố với số lượng bài tham gia là gần 2.000 bài; giúp UBND Thành phố thực hiện kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại 4 sở, ngành; 12 UBND quận, huyện; thẩm định, góp ý dự thảo văn bản đối với 66 dự thảo do các cơ quan, đơn vị gửi đến; phối hợp các sở, ngành liên quan trình Chủ tịch UBND Thành phố ban hành 20 quyết định công bố đối với 1.091 thủ tục hành chính, trong đó có 39 thủ tục hành chính mới ban hành, 970 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và 82 thủ tục hành chính bị hủy bỏ, bãi bỏ.
Số điện thoại kiến nghị, phản ánh về quy định TTHC của Thành phố (043.9346034) hiện do Sở Tư pháp trực tiếp tiếp nhận, xử lý. Năm 2016, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và xử lý xong 50 phản ánh, kiến nghị (48 phản ánh, kiến nghị về hành vi hành chính và 2 phản ánh, kiến nghị về quy định thủ tục hành chính); việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quy định của Thành phố.
10:02 23/12/2016
- Độc giả Nguyễn Quang Hiếu, ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy hỏi: Có rào cản nào trong triển khai dịch vụ công cấp độ 3 không?Để xây dựng một dịch vụ công trực tuyến (đặc biệt với các dịch vụ mức độ cao như mức 3,4) cần thực hiện nhiều công việc như: Chuẩn bị hạ tầng (Trung tâm dữ liệu, máy chủ, hạ tầng mạng, hệ thống an toàn thông tin, thiết bị CNTT tại cơ sở), rà soát chuẩn hóa thủ tục hành chính, xây dựng quy trình, quy chế thực hiện và triển khai phần mềm sau đó triển khai diện rộng tới các đơn vị. Song song với đó là công tác tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ thực hiện, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Dó đó, để việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đạt hiệu quả cần có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống hành chính và sự ủng hộ, tham gia sử dụng của người dân.
09:58 23/12/2016
Độc giả Nguyễn Quang Trung, ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm hỏi: Xin hỏi Văn phòng Thừa phát lại cung cấp những dịch vụ gì cho người dân?
Ông Nguyễn Anh Dũng - Phòng bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp trả lời:
Hiện nay, hoạt động Thừa phát lại đang được điều chỉnh chủ yếu bằng 02 Nghị định, đó là Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thì Văn phòng Thừa phát lại cung cấp những dịch vụ sau:
1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.
09:58 23/12/2016
Độc giả Nguyễn Ngọc Thành, ở phường Điện Biên, quận Ba Đình hỏi: Nếu công chức tư pháp – hộ tịch chứng thực phải giấy tờ giả mà do mắt thường không phát hiện được thì người chứng thực có chịu trách nhiệm gì?
Bà Ngô Hồng Thủy - Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm giải đáp:
Đối với trường hợp này, giấy tờ giả mà mắt thường không phát hiện được thì không phải là lỗi của cán bộ tư pháp và theo quy định, người cán bộ tư pháp không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về người chứng thực. Chính phủ quy định người yêu cầu chứng thực phải đảm bảo nội dung, tính hợp lệ của giấy tờ mang đi chứng thực, phải đảm bảo đó không phải là chứng từ giả.
09:57 23/12/2016
Độc giả Lương Tuyết Mai ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm hỏi: Trong khoảng thời gian từ ngày 5/12/2012 đến ngày 30/9/2013, tôi cư trú tại Việt Nam. Nay tôi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 xác nhận về thời gian cư trú tại Việt Nam để phục vụ mục đích nhập cư. Tuy nhiên, tôi không thể trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền Việt Nam yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Vậy tôi có thể ủy quyền cho người khác thay mặt mình yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 không?
Ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng Lý lịch tư pháp trả lời: Theo quy định của luật lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, công dân có quyền ủy quyền người khác nộp hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trong trường hợp thân nhân ủy quyền người thân như cha mẹ vợ con thì chỉ cần xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ thân nhân như giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh. Trong trường hợp ủy quyền người không phải thân nhân thì phải có giấy chứng nhận bằng văn bản.
Công dân có thể sử dụng dịch vụ gửi hồ sơ qua Bưu điện TP Hà Nội hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua dịch vụ Viettel. Hồ sơ này cũng có giá trị như hồ sơ nộp trực tiếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.