(HNM) - 27 đường phố ở 11 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội vừa chính thức được đặt tên mới (theo Quyết định số 5725/QĐ-UB ngày 29-12-2020 của Chủ tịch UBND thành phố) phần lớn dựa trên các địa danh cổ, danh nhân; tạo điều kiện cho việc xác nhận địa chỉ, quản lý đô thị cũng như lưu dấu lịch sử, văn hóa. Sự kiện này còn tiếp tục đặt ra những yêu cầu trong công tác giáo dục truyền thống, bồi đắp tình yêu quê hương, lòng tự hào cho các thế hệ.
Không đơn thuần là tên đường, tên phố
Trong 27 cái tên được lựa chọn đặt cho các đường phố đợt này, thì có tới 7 địa danh cổ và 17 danh nhân (5 danh nhân lịch sử, 3 tổ nghề, thành hoàng làng và nhiều danh nhân thuộc các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị...). Điều đó cho thấy yếu tố lịch sử truyền thống luôn được ưu tiên hàng đầu trong công tác đặt, đổi tên đường, phố của Thủ đô, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa, con người.
Theo Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, tên đường phố không đơn thuần chỉ để phục vụ công tác quản lý đô thị và nhận biết địa chỉ giao dịch, mà còn có ý nghĩa to lớn hơn là tôn vinh những danh nhân, vùng đất lịch sử, qua đó thể hiện lòng biết ơn với tiền nhân, sự trân trọng những giá trị lịch sử của cư dân trên địa bàn. “Mỗi cái tên được lựa chọn, đã trải qua quy trình nhiều bước, với sự tham gia của các bên liên quan, trước khi đề xuất HĐND thành phố xem xét, thông qua”, bà Phạm Thị Lan Anh cho biết.
Nếu như việc đặt, đổi tên đường được thực hiện ngày càng khoa học và hiệu quả, thì vẫn còn không ít băn khoăn về hiệu ứng lan tỏa từ công tác này đối với giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa. Trên thực tế, rất nhiều người dân ở các tuyến phố mới được đặt tên không nắm rõ tiểu sử, gốc tích của tên người, tên địa danh đặt cho phố đó. Có thể kể đến một vài ví dụ như, phố Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy) mang tên vị tướng có đóng góp lớn với cách mạng Việt Nam bị nhầm lẫn với họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Tương tự, phố Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) tôn vinh vị chúa đặt nền móng cho vương triều Nguyễn bị hiểu thành tên nhạc sĩ Nguyễn Hoàng. Và, cũng rất ít người biết đến những cá nhân được đặt tên ở các phố: Nguyễn Xuân Khoát (quận Bắc Từ Liêm); Nguyễn Văn Tuyết (quận Đống Đa)…
Anh Nguyễn Bảo Linh, chủ cửa hàng trên phố Nguyễn Văn Tuyết (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) thừa nhận, chỉ nắm tên phố để ghi vào hộ khẩu, chứng minh thư, xác định nơi cư trú, chứ chưa quan tâm tới nguồn gốc, lịch sử của người mang danh tên đường. Trong khi đó, theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải, trước khi gắn biển, phòng đều tổ chức tuyên truyền về lịch sử, ý nghĩa của tên phố mới qua hệ thống truyền thanh của quận, phường và hội nghị của khu dân cư.
Đẩy mạnh giáo dục truyền thống
Tên đường phố không chỉ mang nét đặc trưng văn hóa, văn minh đô thị, mà còn góp phần quan trọng giáo dục, giới thiệu lịch sử, truyền thống. Chính vì vậy, vấn đề thúc đẩy giáo dục, tìm hiểu lịch sử truyền thống thông qua việc đặt, đổi tên đường phố cần có thêm giải pháp, nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử.
Theo Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, thành phố nên gắn việc này với những hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng khác để tạo hiệu ứng lan tỏa. Còn theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Hương, việc giáo dục truyền thống thông qua tên đường phố nên được tổ chức bằng nhiều hình thức, như: Hội thi tìm hiểu lịch sử, các buổi nói chuyện chuyên đề, in phát tờ rơi về ý nghĩa tên đường, phố trong cộng đồng dân cư… Các nhà trường cũng có thể lồng ghép nội dung này vào chương trình ngoại khóa, hoạt động thi đua nhằm khích lệ sự quan tâm của thế hệ trẻ. “Bảng tên đường phố có thể kèm theo chú thích ngắn gọn về lịch sử, ý nghĩa của tên đường phố, giúp người dân tiện nắm bắt và ghi nhớ”, bà Nguyễn Thị Hương nêu.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, mỗi kỳ đặt tên đường phố, ngành Văn hóa Thủ đô đều phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa tên gọi, hình ảnh của từng tuyến đường phố được đặt tên. Hồ sơ đặt tên đường phố cũng được gửi về cho các quận, huyện, thị xã để kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động tổ chức giới thiệu, tuyên truyền. Sau khi có quyết định đặt tên đường phố, Sở tiếp tục có văn bản nhắc nhở địa phương đẩy mạnh những hoạt động tôn vinh, quảng bá…
“Công tác này sẽ tiếp tục được tăng cường theo hướng thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, qua đó khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho công dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng; đồng thời để mỗi người thêm hiểu, thêm yêu, tự hào và có trách nhiệm hơn với nơi mình đang sống”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.