Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục trẻ em bằng tình yêu thương

Minh Ngọc| 07/11/2018 07:03

(HNM) - Dùng roi vọt, mắng chửi hoặc những lời lẽ có tính chất so sánh với đối tượng khác để giáo dục trẻ em không mang lại hiệu quả tích cực, thậm chí phản tác dụng.


Trẻ em dễ bị tổn thương

Không ít người có quan niệm “Yêu cho roi cho vọt”, muốn trẻ em ngoan ngoãn thì phải dạy dỗ, uốn nắn trẻ thật nghiêm khắc. Từ suy nghĩ ấy, nhiều phụ huynh hay quát mắng, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với con khi phát hiện con trẻ có lời nói, thái độ, hành vi khiến họ không hài lòng. Trong một số trường hợp, trẻ em là đối tượng trút giận của người lớn mỗi khi họ không vui. N.V.H. (11 tuổi), sống tại một khu chung cư ở phường Phú La (quận Hà Đông) kể: “Bố, mẹ cháu là người có học thức, việc làm ổn định nhưng lại ham cờ bạc. Mỗi khi thua bạc, bố mẹ cháu thường đánh nhau và chửi con bằng những từ ngữ thô tục. Chúng cháu vì xấu hổ mà hạn chế giao tiếp, vì buồn mà không thể tập trung học hành”.

Giáo dục bằng tình yêu thương sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện.


Tại những “địa chỉ tin cậy”, “ngôi nhà tạm lánh”, “ngôi nhà bình yên” dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo hành cư trú tạm thời, phía sau mỗi đứa trẻ ở đây là một câu chuyện dài về bạo lực. Chỉ tính riêng những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý.

Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MDS) cho biết, trong những cuộc đối thoại, thảo luận xung quanh nội dung giáo dục trẻ em diễn ra gần đây, đa số trẻ em nói rằng vấn đề khiến các em lo sợ nhất là bị bố mẹ quát mắng, đánh đập; các vấn đề có thể xảy ra tại trường học như bị điểm kém, bị cô lập, bị giáo viên phê bình… Về phía phụ huynh, 100% số người tham gia thảo luận đều im lặng trước câu hỏi: Ai chưa từng đánh con?...

Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản pháp quy liên quan đều ghi nhận, bảo đảm quyền thực thi các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức. Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những hành vi trừng phạt trẻ em như đánh, mắng chửi, miệt thị, so sánh trẻ… là vi phạm quyền được bảo vệ của trẻ em. Những hành vi vi phạm, tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Tiếc rằng, hành vi làm tổn thương trẻ cả về thể chất và tinh thần vẫn diễn ra phổ biến do phụ huynh, những người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em chưa nhận thức được đó là việc làm trái pháp luật, không mang lại hiệu quả giáo dục tích cực.

Giáo dục không bạo lực

Khoa học đã lý giải, thực tiễn đã chứng minh, cách giáo dục trẻ em bằng sự mềm mỏng, tình yêu thương mang lại hiệu quả toàn diện hơn. Do đó, ngoài những giải pháp đưa chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em đi vào đời sống, các cơ quan chức năng đang nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục không bạo lực.

Từ năm 2017 đến nay, Cục Trẻ em phối hợp với MDS, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phát động chiến dịch “Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực” tại nhiều tỉnh, thành phố. Chiến dịch truyền đi thông điệp “ngừng đánh con”, “ngừng quát mắng con”, “cùng con tìm giải pháp”, “con là duy nhất - tại sao phải so sánh”... đến mọi tầng lớp nhân dân. Thông qua chiến dịch, một số địa phương đã thành lập câu lạc bộ “Làm cha, mẹ tích cực”, thu hút đông đảo phụ huynh tham gia.

Năm 2018, chiến dịch “Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực” được phát động sâu rộng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tham gia chiến dịch, anh Trần Văn Tuấn, ở ngõ 374 phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) cho biết, anh và nhiều phụ huynh có thêm kiến thức giáo dục con. Khi nóng giận, thay vì la hét, người lớn nên ra chỗ khác, xả hết cơn bực tức rồi quay lại đối thoại với trẻ. Chỉ cần vài phút khống chế cảm xúc tiêu cực, bố mẹ sẽ không sử dụng đòn roi, to tiếng với con.

Bà Trần Thị Ái Liên, Giám đốc Công ty “Bạn của bé” chia sẻ, những đứa trẻ hay bị đánh, chửi thường có tâm lý chống đối, tiềm ẩn nguy cơ phát triển lệch lạc, ưa bạo lực khi trưởng thành. Để giáo dục trẻ em theo hướng tích cực, người lớn hãy cùng trẻ tháo gỡ khó khăn và tìm hướng khắc phục lỗi lầm. Muốn trẻ không làm điều gì đó, người lớn nên đưa ra lời cảnh báo thay vì áp đặt. Chẳng hạn: “Bố không muốn mắng con đâu, nhưng nếu con vẫn tiếp tục không nghe lời, bố sẽ giận đấy”; “Đến giờ đi ngủ rồi, con có cần thêm 10 phút để chơi không?; “Mẹ đồng ý cho con thêm 10 phút, sau đó là hết giờ quy định đấy nhé”… Trong trường hợp biết mình sai, người lớn cần xin lỗi để trẻ thấy được sự công bằng, tôn trọng.

Dẫu biết thay đổi nếp nghĩ, thói quen trong mỗi người là không dễ, song những người làm cha mẹ, người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em không thể bỏ qua hình thức giáo dục không bạo lực. Trước các vụ việc có tính chất bạo lực do chính trẻ em gây ra ngày một tăng, tỷ lệ thanh, thiếu niên gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày một lớn, yêu cầu này càng trở nên cấp thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục trẻ em bằng tình yêu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.