(HNM) - Hôm nay (5-9), cùng với học sinh cả nước, hơn 2,2 triệu học sinh mầm non, phổ thông của thành phố Hà Nội bước vào năm học 2022-2023 - năm học dự báo tiếp tục có nhiều thử thách. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thẳng thắn nhận diện những bất cập, khó khăn và đề ra giải pháp khắc phục, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học, bảo đảm an toàn cho học sinh và kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng.
Đối diện với nhiều thách thức
Hiện, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 2.800 trường mầm non và phổ thông với hơn 2,2 triệu học sinh. Thách thức không nhỏ của ngành Giáo dục Thủ đô là tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh, dẫn đến nguy cơ quá tải ở một số trường học.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, 100% học sinh trên địa bàn đều được đi học theo đúng tuổi, song tình trạng quá tải sĩ số vẫn chưa được giải quyết triệt để, do tốc độ gia tăng dân số nhanh. Đơn cử như phường Dương Nội (quận Hà Đông), dù đã xây dựng 19 trường học (gồm 15 trường công lập, 4 trường tư thục), song mới cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Còn nhiều trường có sĩ số học sinh/lớp cao hơn so với Điều lệ trường học. Số lượng học sinh đông, sĩ số học sinh/lớp cao đã ảnh hưởng đến công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Trước quy mô học sinh tăng nhanh, trong khi hệ thống trường, lớp chưa kịp đáp ứng, ngày 27-8 vừa qua, UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đã phải tổ chức bốc thăm suất học cho trẻ 3 tuổi vào Trường Mầm non Hoàng Liệt. Bà Trần Thị Mai Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) cho rằng, đây là trường hợp cá biệt, song cũng khiến nhiều phụ huynh có con trong độ tuổi đi học lo lắng.
Nhiều năm liền, Hà Nội giữ vững vị thế là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, nhưng chất lượng giáo dục giữa các trường học còn có sự chênh lệch. Theo bảng điểm chuẩn lớp 10 năm học 2022-2023, trong số 116 trường công lập, chỉ có 14 trường có điểm chuẩn từ 40,0 trở lên (cho ba môn thi, trong đó có hai môn hệ số 2), chiếm 12%. Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) có điểm chuẩn cao nhất là 43,25 điểm; trong khi đó, mức điểm chuẩn vào Trường Trung học phổ thông Bắc Lương Sơn (huyện Thạch Thất) là 15,0 điểm; Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức C (huyện Mỹ Đức) là 15,75 điểm…
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Trong những năm gần đây, quy mô giáo dục Hà Nội tăng trung bình 60.000 học sinh/năm. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã tham mưu thành phố đẩy mạnh việc xây dựng trường học và riêng năm học 2021-2022 đã có 51 trường học được xây dựng, thành lập mới. Với tốc độ gia tăng dân số nhanh như hiện nay, việc xây dựng bổ sung trường học vẫn là giải pháp được Hà Nội kiên trì triển khai.
Là quận nội thành, việc dành đất xây dựng, mở rộng trường học được quận Hoàn Kiếm xác định là nhiệm vụ quan trọng, quyết tâm không để xảy ra quá tải. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm Vương Hương Giang cho biết, một trong những giải pháp của quận là tập trung làm tốt công tác chuẩn hóa sĩ số học sinh/lớp, tạo thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện tại, trên địa bàn quận có 3 trường đang được xây dựng mới, là: Trường Mầm non Bà Triệu, Trường Mầm non 1-6 và Trường Tiểu học Quang Trung.
Ngày 31-8 vừa qua, UBND huyện Mỹ Đức tổ chức khánh thành Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mỹ Đức, kinh phí đầu tư 170 tỷ đồng. Đây là mô hình trường liên cấp chất lượng cao đầu tiên được xây dựng ở huyện. “Sự ra đời của ngôi trường này đã đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân, giúp học sinh huyện Mỹ Đức được tiếp cận với môi trường giáo dục tiên tiến, từng bước rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức Lê Văn Hiến chia sẻ.
Cùng với việc đáp ứng đủ chỗ học, việc bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là trẻ mầm non được ngành Giáo dục Thủ đô xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, năm học 2022-2023, quận duy trì tổ chức giao ban định kỳ 1 lần/quý giữa lãnh đạo UBND quận với các trường học, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, nhằm tăng cường công tác quản lý an ninh, an toàn trường học, nâng cao đạo đức nhà giáo và chất lượng chăm sóc, giáo dục. Quận kiên quyết đình chỉ các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không bảo đảm điều kiện chăm sóc trẻ…
Năm học 2022-2023, cùng với nhiều trường học mới thuộc các quận, huyện, thị xã được xây dựng, khối trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có Trường Trung học phổ thông Minh Hà (huyện Thạch Thất) vừa đi vào hoạt động; Trường Trung học phổ thông Thường Tín vừa hoàn thành xây dựng ở địa điểm mới… Giai đoạn 2022-2025, thành phố tập trung đầu tư xây dựng mới các trường trung học phổ thông ở Thọ Xuân (huyện Đan Phượng); Uy Nỗ, Nguyên Khê, Việt Hùng (huyện Đông Anh); các trường tại Khu đô thị Thanh Hà, Khu đô thị vệ tinh huyện Sóc Sơn.
“Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Thủ đô sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp để các trường được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo..., qua đó giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục đại trà giữa các địa phương”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.