Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục ngăn ngừa mất thị lực do Glôcôm

Thu Trang| 24/10/2022 19:39

(HNMO) - Bệnh Glôcôm vốn được gọi là “kẻ cắp thị lực thầm lặng” khiến thị lực người bệnh vĩnh viễn không hồi phục. Đây cũng là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ 2 ở Việt Nam và nhiều khu vực trên thế giới.

Lễ ký kết hợp tác khởi động chương trình giáo dục bệnh Glôcôm.

Chiều 24-10, Bệnh viện Mắt Hà Nội và Novartis Việt Nam ký kết hợp tác khởi động chương trình giáo dục bệnh Glôcôm cho bệnh nhân. Đây là chương trình giáo dục về bệnh Glôcôm đầu tiên được triển khai kết hợp trực tiếp và trực tuyến (hybrid) trong ngành nhãn khoa. 

Chương trình diễn ra ở 3 bệnh viện mắt hàng đầu cả nước, trong đó đại diện ở miền Bắc là Bệnh viện Mắt Hà Nội. Chương trình sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng, từ tháng 10 đến tháng 12-2022.

Bệnh Glôcôm vốn được gọi là “kẻ cắp thị lực thầm lặng”, thị lực người bệnh vĩnh viễn không hồi phục. Đây cũng là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ 2 ở Việt Nam và nhiều khu vực trên thế giới. Bệnh tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2020, số người (tuổi từ 40-80) bị Glôcôm trên thế giới vào khoảng 79,6 triệu, được dự đoán tăng lên 111,8 triệu vào năm 2040, trong đó bệnh nhân Glôcôm người châu Á chiếm 47%. Ở các nước phát triển, khoảng 50%người bị bệnh Glôcôm không biết có bệnh và không đi khám. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, con số này có thể tăng tới 90%. 

Tại Việt Nam, theo điều tra dịch tễ của Bệnh viện Mắt trung ương và Tổ chức Atlantic Philanthropies về tình trạng mù lòa tại 16 tỉnh, thành phố, có 24.800 người bị mù cả hai mắt do Glôcôm.

Với hình thức trực tiếp tại bệnh viện, chương trình giáo dục về bệnh Glôcôm cung cấp cho bệnh nhân thông tin dưới dạng Infographic (đồ họa thông tin) về chứng tăng nhãn áp, thể hiện rõ mức độ phổ biến và nguy cơ bệnh lý. 

Với hình thức trực tuyến, chương trình được thông qua các nền tảng kỹ thuật số như: Zalo, youtube, website và fanpage của Bệnh viện Mắt Hà Nội nhằm tối đa hóa hiệu quả tiếp cận thông tin, kiến thức cho bệnh nhân. Bên cạnh các bài viết, video chuyên sâu được đăng tải trên zalo, website và fanpage của bệnh viện, bệnh viện cũng tổ chức hội thảo trực tuyến thông qua livestream trên kênh youtube của bệnh viện mỗi tháng một lần nhằm giải đáp thêm những thắc mắc của người bệnh về bệnh lý Glôcôm. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục ngăn ngừa mất thị lực do Glôcôm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.