Giáo dục

Giáo dục mũi nhọn: Kỳ vọng khởi sắc mới

Thống Nhất 14/02/2024 - 08:41

Tin vui đến với thầy, trò ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khi đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia giành kết quả cao nhất từ trước tới nay.

Với 184 em đạt giải, thành phố Hà Nội giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước, trong đó có những nhân tố mới đến từ các trường còn nhiều khó khăn. Kết quả này đem đến kỳ vọng mới về sự khởi sắc của chất lượng giáo dục mũi nhọn Thủ đô trong thời gian tới.

hoc-sinh.jpg
Một tiết học của học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Ảnh: Quang Thái

Kết quả cao nhất từ trước tới nay

Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên áp dụng quy chế thi mới trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông, trong đó có việc các địa phương được tăng số lượng học sinh dự thi. Với thành phố Hà Nội, thay vì mỗi đội tuyển được cử tối đa 6 học sinh thì ở kỳ thi này, số lượng tối đa là 12 em. Kết quả, Hà Nội có 184 học sinh đạt giải, gồm 14 giải Nhất, 61 giải Nhì, 54 giải Ba và 55 giải Khuyến khích.

Không chỉ giữ vững vị thế là đơn vị dẫn đầu về số lượng học sinh đạt giải, chất lượng giải thưởng năm nay của học sinh thành phố cũng có bước cải thiện rõ rệt. So với năm học 2022-2023, tổng số giải của học sinh thành phố đạt được năm học 2023-2024 tăng thêm 43 giải; trong đó số giải Nhất tăng 1 giải. Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định năng lực, sở trường với môn ngoại ngữ khi giành tới 6 giải Nhất môn tiếng Anh, 1 giải Nhất môn tiếng Pháp. Đặc biệt, các đội tuyển tiếng Anh, tiếng Pháp và hóa học có 100% thành viên đều đạt giải.

Đáng chú ý, trong số các học sinh giành giải, có 13 học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn tham dự vòng thi tuyển chọn thành viên đội tuyển quốc gia để tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2024.

Em Lương Minh Hiếu Ngọc, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, đạt giải Nhất môn hóa, là một trong 5 học sinh có điểm số cao nhất cả nước cho rằng, kết quả mà em đạt được là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của thầy, cô giáo và lãnh đạo ngành, nhất là về các điều kiện để học sinh được thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế.

Khởi sắc nơi vùng khó khăn

Trong số 10 trường trung học phổ thông của Hà Nội có học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm nay, bên cạnh 4 trường chuyên, trường có lớp chuyên, có 5 trường công lập đại trà (Nguyễn Gia Thiều, Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất, Quang Trung - Hà Đông, Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân, Minh Quang) và 1 trường ngoài công lập (Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm). Đây là minh chứng về thành quả của những nỗ lực của thành phố Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng, giảm chênh lệch giữa các trường học ở các địa bàn.

Điều đặc biệt hơn cả là trong số học sinh đạt giải năm nay, có học sinh của Trường Trung học phổ thông Minh Quang - một trường ở miền núi của huyện Ba Vì với rất nhiều khó khăn, hằng năm có điểm đầu vào thấp nhất thành phố và phải tuyển “tràn tuyến”.

Chia sẻ về thành tích của mình, em Đỗ Chí Tiến, học sinh Trường Trung học phổ thông Minh Quang, đạt giải Ba môn địa lý cho biết: “Em sinh ra trong gia đình có bố mẹ làm nông nghiệp, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Tuy vậy, em luôn nhận được sự quan tâm tận tình và hỗ trợ tối đa về mọi mặt của thầy, cô giáo, nên em thấy tự tin hơn”. Điều này cho thấy, sự quan tâm, tình thương yêu với học trò là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần cải thiện chất lượng dạy học tại từng nhà trường.

Nhiều năm gần đây, thành phố Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Để giữ vững, phát huy kết quả đạt được, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục mũi nhọn.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng chính sách cộng điểm thưởng trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 cho học sinh lớp 9 đạt giải cấp thành phố. Đồng thời, Sở cũng đang nghiên cứu tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách khen thưởng học sinh đạt giải và có chính sách động viên, khen thưởng giáo viên có thành tích trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương:
Kiên trì triển khai các giải pháp đồng bộ

ykien-tran-the-cuong.jpg

Thành phố Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, 2,3 triệu học sinh. Điều kiện dạy học và chất lượng giáo dục còn có sự khác biệt nhất định giữa các trường học ở địa bàn huyện và các quận nội thành.

Những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị kiên trì triển khai các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học. Trong đó giải pháp mới được thực hiện trong toàn ngành từ năm học 2022-2023 là triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”.

Với hình thức “trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên”, những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và việc thiếu giáo viên ở một số nơi đã dần được khắc phục. Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao hướng đến mục tiêu tất cả vì học sinh thân yêu, các giáo viên không chỉ sẻ chia, trao đổi cùng nhau về kinh nghiệm giảng dạy mà còn nhận đỡ đầu nhiều học sinh khó khăn, tạo động lực rất lớn cho các em trong học tập.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, phụ huynh học sinh lớp 9A3, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ):
Tin tưởng vào sự khởi sắc chất lượng dạy học

ykien-nguyen-thi-thu-hoai.jpg

Mấy năm gần đây, dù các mô hình học tập ở lớp 10 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát triển và cơ bản đáp ứng nguyện vọng học tập, song tại một số quận, những nơi tập trung nhiều khu đô thị, khu công nghiệp thì vẫn thiếu trường công lập. Vì thế, hầu hết phụ huynh có con vào lớp 10 đều lo lắng, mong muốn tìm được môi trường học tập tốt cho con. Đó là nhu cầu, là mong mỏi chính đáng, song không dễ thực hiện.

Sự xuất hiện của các giải thưởng quốc gia tại những trường còn nhiều khó khăn giúp phụ huynh học sinh chúng tôi thêm kỳ vọng, tin tưởng vào sự khởi sắc về chất lượng dạy học ở các nhà trường. Đó là minh chứng về đường lối đúng đắn trong quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, cũng là kết quả thể hiện sự chênh lệch về chất lượng giữa các nhà trường đang từng bước giảm dần. Tôi mong rằng thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cũng như nâng chất lượng đội ngũ giáo viên để bảo đảm các điều kiện tốt nhất để học sinh học tập.

Em Nguyễn Trần Vân Khanh, học sinh lớp 12D1 Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân):
Động lực giúp học sinh cố gắng không ngừng

ykien-nguyen-tran-van-khanh.jpg

Là học sinh đầu tiên của Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) lọt vào đội tuyển thành phố Hà Nội tham dự kỳ thi cấp quốc gia, đó vừa là vinh dự, cũng vừa là thách thức lớn. Vinh dự vì trong số 20 thành viên của đội tuyển thành phố dự thi môn ngữ văn trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024, chỉ có em là học sinh trường không chuyên, các bạn còn lại đều là học sinh trường chuyên. Lo lắng là bởi trong suy nghĩ của em, các bạn học chuyên ngữ văn có nền tảng kiến thức, kỹ năng rất tốt về môn học vì đã theo học môn chuyên từ lớp 10.

Chia sẻ với sự lo lắng của em, các thầy, cô giáo thường xuyên động viên, khích lệ, hỗ trợ em trong học tập, ôn luyện. Nhờ thế, em đã dần dần vượt qua được áp lực ban đầu, lấy lại sự tự tin và có thêm động lực, quyết tâm học tập. Thành tích mà em đạt được là từ sự chăm chút rất lớn của các thầy, cô giáo.

Minh Khang ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục mũi nhọn: Kỳ vọng khởi sắc mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.