(HNM) - Mô hình giáo dục di sản tại di tích, bảo tàng hiện rất phát triển trên thế giới, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nước ta có hệ thống di tích, bảo tàng đa dạng, phong phú, thế nhưng đa số di tích, bảo tàng chưa chú trọng đến công tác giáo dục di sản,,,
Hiệu quả từ đổi mới hình thức giáo dục
Khảo sát cho thấy, khách tham quan di tích, bảo tàng là học sinh, sinh viên chiếm 20-40% lượng khách tham quan của một đơn vị. Các trường học đưa học sinh đến di tích, bảo tàng thường để tổ chức kết nạp Đoàn, Đội, tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi… Nếu tổ chức tham quan, các trường thường thuê công ty du lịch hoặc đơn vị tổ chức sự kiện đưa hàng trăm học sinh đi theo lịch trình, khiến học sinh dù muốn cũng ít có cơ hội tìm hiểu sâu về di tích, bảo tàng và các giá trị lịch sử, văn hóa mà thiết chế này chuyển tải.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) là một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức các “giờ học lịch sử” tại Bảo tàng. Ngày 16-1 vừa qua, hơn 40 học sinh lớp 10A5, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thạch Thất đã đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia học lịch sử với chủ đề “Tiến trình lịch sử Việt Nam”. Trong giờ học này, trước hết học sinh được tham quan hệ thống trưng bày tại Bảo tàng để tìm hiểu về tiến trình lịch sử Việt Nam từ thời kỳ tiền sử đến thời Nguyễn. Sau khi tham quan, học sinh làm bài trắc nghiệm ôn lại kiến thức lịch sử đã học trong nhà trường và quá trình tham quan.
Với hình thức học mà chơi, chơi mà học, trong những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức “giờ học lịch sử” cho học sinh các cấp học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác với những chuyên đề bổ ích, lý thú như “Tìm hiểu - trải nghiệm xếp hàng mua lương thực, thực phẩm thời bao cấp”, “Cuộc kháng chiến chống Pháp” (1858-1954), “Tìm hiểu các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử Việt Nam”…
Tương tự Bảo tàng Lịch sử quốc gia, năm 2016 Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thay đổi cách thức tuyên truyền di sản cho đối tượng khách tham quan là học sinh bậc tiểu học. Thay vì tiếp nhận khối kiến thức khổng lồ được giới thiệu chung chung, các nhóm học sinh tiểu học đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám được nghe giới thiệu về một công trình, hạng mục cụ thể sao cho dễ hiểu, dễ cảm nhận. Sau đó, các em tự nói lên cảm nhận, sự hiểu biết của mình về di tích qua nhiều hình thức như vẽ tranh, kể chuyện, dựng kịch ngắn…
Theo hướng giáo dục này, chương trình “Em làm nhà khảo cổ”, “Em tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức từ tháng 10-2016 đến nay cũng thành công ngoài mong đợi.
Làm gì để nhân rộng?
Hiệu quả của những giờ học lịch sử trực quan đã được khẳng định, nhưng việc phát triển, nhân rộng mô hình giáo dục di sản tại di tích, bảo tàng không dễ dàng.
Ông Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) cho biết, để chương trình giáo dục di sản đạt hiệu quả cao, mỗi “giờ học”, Trung tâm chỉ có thể hướng dẫn cho một lớp học, trong khi nhu cầu thực tế lớn hơn nhiều lần. “Giáo án” của chương trình đòi hỏi kiến thức tổng hợp, chuyên sâu, nhưng phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Phương pháp giáo dục phải thay đổi liên tục mới tránh được sự nhàm chán.
“Trung tâm hiện chưa có cán bộ chuyên sâu làm công tác giáo dục di sản, chưa có nguồn kinh phí thường xuyên để bổ sung trang thiết bị, dụng cụ, học liệu… Trong điều kiện đó, Trung tâm mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Ngành GD-ĐT; sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng khi nhân rộng mô hình này”, ông Lê Xuân Kiêu bày tỏ.
Dưới góc nhìn khoa học, bà Lê Thị Minh Lý (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa) cho rằng, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng, các di tích, bảo tàng có khả năng và nhu cầu giáo dục di sản trực quan nói chung có thể khắc phục khó khăn về nguồn nhân lực bằng cách đào tạo tại chỗ, cử cán bộ đi đào tạo chuyên sâu. Ngoài ra, các đơn vị nên nghiên cứu, thiết kế không gian trải nghiệm cho học sinh; có biện pháp thu hút đội ngũ cộng tác viên; xã hội hóa các hoạt động và phát triển công chúng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.