Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên: Hướng tới sự phát triển bền vững

Linh Nhi| 26/07/2015 07:27

(HNM) - Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức Đoàn…


Đa dạng phương pháp giáo dục

Tại Hội nghị Ban Chấp hành TƯ Đoàn lần thứ bảy (khóa X) vừa diễn ra tuần qua, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ thời gian qua và Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030".

Bác sĩ tình nguyện khám bệnh cho các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong, người có công với cách mạng. Ảnh: Việt Hương


Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn Nguyễn Đắc Vinh nhận định, mục tiêu lớn nhất của Đoàn đặt ra đối với công tác giáo dục thanh niên là tạo ra sự chuyển biến tích cực trong các đối tượng thanh niên, kể cả thanh niên chậm tiến. Thời gian qua, Ban Chấp hành TƯ Đoàn đã ban hành nhiều chủ trương lớn về giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên như: Nghị quyết 02 về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên giai đoạn 2013-2017; kết luận 03 về CVĐ "Xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới"; Chỉ thị 01 về "Tăng cường rèn luyện tác phong thực hiện lề lối công tác cán bộ Đoàn"… Đồng thời chỉ đạo các cấp bộ Đoàn cả nước triển khai nhân rộng nhiều phương pháp tốt, mô hình hay.

Trên thực tế, các cấp bộ đoàn cả nước đã có nhiều hình thức đa dạng hóa việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên. Cụ thể như các cấp bộ đoàn đã thành lập nhiều CLB, mô hình, chương trình hoạt động đậm tính giáo dục như: "Nhịp sống trẻ", "Xã ba không", "Sức sống trẻ", "Trải nghiệm thực tế", "Thắp sáng niềm tin", "Giáo dục pháp luật - trải nghiệm thực tế"… Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị thuộc tổ chức Đoàn còn tổ chức tọa đàm, diễn đàn "đâu là mẫu thanh niên thời đại mới", "lệch lạc thần tượng", "những người sống quanh ta"… Song song với đó, các cấp bộ đoàn chủ động phối hợp cùng gia đình, nhà trường và các ngành thực hiện nhiều CVĐ có tính chất giáo dục cao cho đối tượng thanh niên, đồng thời có nhiều hoạt động giúp đỡ cảm hóa thanh niên lầm lỗi, chậm tiến.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng đánh giá, có nhiều sự kiện cho thấy công tác giáo dục thế hệ trẻ về đạo đức, lối sống, lòng yêu nước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tiêu biểu như trong lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chương trình "Tiếp sức mùa thi" 2015 hay trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đoàn viên thanh niên đã thể hiện rõ nét tinh thần xung kích, tình nguyện, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc... để lại những hình ảnh đẹp trong nhân dân và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho rằng, thanh niên hiện nay bị ảnh hưởng rất lớn bởi những thông tin trên các phương tiện truyền thông hiện đại như mạng xã hội. Vì thế, phương thức giáo dục của Đoàn cần thay đổi để bắt kịp với xu thế, các công cụ như báo điện tử và mạng xã hội cần được khai thác mạnh mẽ hơn nữa.

Cần có giải pháp căn cơ

Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, thời gian qua, dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên hiệu quả giáo dục của Đoàn ở nhiều nơi vẫn chưa rõ nét, sự chuyển biến chưa nhiều.

Để đẩy mạnh công tác giáo dục của Đoàn, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành TƯ Đoàn lần thứ bảy (khóa X) cho rằng, cần phải chú trọng đổi mới nội dung và phương thức giáo dục của Đoàn, làm sao để các nội dung giáo dục đơn giản, dễ hiểu, gần gũi và hấp dẫn đối với thanh niên, nhất là cần có các giải pháp căn cơ, bởi thực tế hiện nay, tại một số nơi, phong trào Đoàn có sự bấp bênh, không ổn định, ví dụ như năm nay thành tích cao, năm sau "tụt", kéo theo công tác giáo dục thanh niên đôi khi bị bỏ ngỏ…

Nhiều ý kiến đề xuất nên áp dụng phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội trong định hướng, giáo dục thanh niên. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng Phạm Thị Phúc cho rằng, thực tế là đoàn viên thanh niên còn rụt rè, chưa thẳng thắn đấu tranh chống lại các hành vi sai trái, tiêu cực trong xã hội, bên cạnh đó, sự tràn lan các thông tin trái chiều trên mạng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của thanh niên.

Đồng tình với ý kiến trên, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai Hoàng Quốc Bảo nhận định, khả năng tự vệ của một bộ phận đoàn viên thanh niên rất kém, dễ dao động trước các thông tin sai lệch tràn lan trên mạng, nhưng việc trang bị kiến thức cho các em còn hạn chế, thiếu đội ngũ phản biện lại những thông tin trái chiều. Trong khi đó, một số chương trình, hoạt động tuyên truyền, giáo dục của Đoàn chưa phát huy hiệu quả ở vùng sâu, vùng xa, nơi đoàn viên thanh niên có trình độ thấp.

Hàng loạt vấn đề đang đặt ra khiến hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên chưa đồng đều, người đứng đầu tổ chức Đoàn cả nước thẳng thắn thừa nhận, công tác giáo dục thanh niên chủ yếu thông qua phong trào, vì thế phong trào phải được triển khai trên diện rộng, tiếp cận được đông đảo tầng lớp thanh thiếu niên và nội dung giáo dục trong hoạt động phong trào cần rõ nét, mềm mại, hấp dẫn và gần gũi với thanh niên. Cùng với chủ trương đúng đắn đã có, công tác này cần có sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết của từng cán bộ Đoàn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục đạo đức lối sống cho thanh niên: Hướng tới sự phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.