(HNMO) - Sáng ngày 21-1, các độc giả quan tâm đến lĩnh vực giáo dục trẻ em đã cùng tham dự Hội thảo
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng chia sẻ tại hội thảo. |
Tại buổi hội thảo, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng - một trong 20 phụ nữ có sự ảnh hưởng nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn trong lĩnh vực giáo dục đã cùng chia sẻ, thảo luận, trả lời và đưa ra giải pháp cùng độc giả xung quanh việc xác định những điểm khác biệt trong cách giáo dục trẻ của thập kỷ trước và ngày nay; rằng, liệu chúng ta đã sử dụng tốt và đã thực sự quan tâm đến trẻ từ những bài học nhỏ nhất, thường ngày nhất chưa?
Với quan điểm giáo dục hiện đại nhằm khích lệ sở thích, đam mê, tạo môi trường hỗ trợ trẻ học hiệu quả, thoải mái và thích thú sáng tạo…, giúp trẻ phát triển theo năng lực, khả năng vốn có và tôn trọng cảm xúc của trẻ, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng đã đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến các nghiên cứu gần đây, ví như việc trẻ em ngày nay có tính cá nhân nhiều hơn và ít đồng cảm hơn so với trẻ em của thập kỷ trước; chúng ta làm gì để khắc phục tình trạng quỹ thời gian hạn hẹp khiến các bậc phụ huynh không thể giáo dục trẻ theo những phương pháp: cùng học, cùng làm, cùng chơi với trẻ... Với chủ đề "Dạy con từ quá khứ", Ban tổ chức mong muốn truyền tải thông điệp: Cần sớm có những hành động cụ thể, tận dụng từng khoảnh khắc để bạn có thể đồng hành, phát triển cùng trẻ.
Rất nhiều ý kiến đã được nêu ra tại hội thảo, tập trung về các vấn đề: Trong quá khứ, có những gì bạn thấy là truyền thống giáo dục con, đặc biệt là giáo dục cảm xúc con trẻ hiệu quả và giá trị; có gì trong quá khứ tuổi thơ - cực kỳ đau khổ mà bạn mong con cháu mình không bao giờ phải chịu như thế nữa? Từ những câu chuyện cụ thể, những kinh nghiệm dạy con từ quá khứ, từ tinh hoa truyền thống, và tìm cách vụt thoát những ám ảnh không hay mỗi cá nhân từng trải qua... được đúc rút, hướng đến việc tạo lập một cuộc sống hạnh phúc cho con, dạy con thành người biết tôn trọng bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng tốt nghiệp Đại học Panthéson- Sorbonne (Pháp) năm 1972, bắt đầu giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng từ năm 1973. Năm 2008, bà nhận bằng Tiến sĩ từ Đại học Lyon (Pháp) với đề tài "Việt Nam 1918 - 1945, giới và hiện đại, những nhận thức và trải nghiệm mới". Năm 2014, bà được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh, bậc Hiệp sĩ vì những đóng góp của bà trong quan hệ hợp tác Việt - Pháp về văn hóa và giáo dục. Hiện nay, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng đang tiến hành triển khai dự án “Cùng giáo viên thay đổi” - dự án trong giai đoạn thí điểm tại một số trường trong cả nước. Trường Marie Curie là trường đầu tiên ở Hà Nội nhận lời tham gia dự án này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.