(HNM) - Chúng ta đặt mục tiêu đẩy nhanh việc giao đất dịch vụ, nhưng đến nay nhiều nơi vẫn còn
Kết quả giao đất chưa đạt yêu cầu
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội Nguyễn Văn Hùng, đến nay UBND cấp huyện đã xét duyệt tiêu chuẩn đất dịch vụ cho hơn 32.900 hộ, còn khoảng 47.470 hộ chưa tổ chức xét duyệt tiêu chuẩn. Về quỹ đất, số liệu tổng hợp từ các quận, huyện cho thấy, nhu cầu sử dụng đất dịch vụ là 808ha, trong đó có 139ha đã bàn giao cho hộ dân, 241ha đã xây dựng hạ tầng nhưng chưa bàn giao, 122ha đã GPMB nhưng chưa xây dựng hạ tầng, 129ha đang GPMB... hiện chỉ còn thiếu 1,68ha chưa được bố trí.
Nhiều khu đất bên đường Lê Văn Lương vẫn bị bỏ trống. Ảnh: Linh Ngọc |
Về kết quả giao đất, theo ông Hùng là thấp, chưa đạt yêu cầu. Số hộ được giao đất mới đạt 27,8% (22.411 hộ) tổng số hộ có nhu cầu đất dịch vụ. Bên cạnh những huyện có tỷ lệ giao đất dịch vụ cao như: Thường Tín (hơn 78%), Đan Phượng (hơn 77%)... còn những huyện đạt tỷ lệ rất thấp gồm: Hoài Đức, Thanh Trì, Chương Mỹ, Ứng Hòa. Đặc biệt, huyện Quốc Oai gần như chưa thực hiện được. Lý do, theo ông Hùng, sau khi mở rộng địa chính Thủ đô, nhiều dự án đã phải tạm dừng để rà soát, đến khi có quy hoạch phân khu, quy hoạch chung lại tiếp tục phải điều chỉnh cho phù hợp, trong số đó, nhiều khu đất dịch vụ đã GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật chồng lấn với quy hoạch khác khiến cho việc điều chỉnh, đưa vào sử dụng rất khó khăn. Tuy nhiên, về chủ quan, nhiều địa phương thiếu chủ động, quyết liệt; thậm chí đất đã xây dựng xong hạ tầng mà không giao cho dân. Có nơi, chính quyền còn cam kết giao đất dịch vụ cho cả đối tượng không được hưởng chính sách; xác nhận chuyển nhượng tiêu chuẩn đất dịch vụ không chính xác dẫn đến khó khăn, phức tạp cho xét duyệt, công khai phương án.
Đại diện UBND quận Hà Đông cho biết, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ giao đất trên thực địa thấp còn do các hộ dân được phê duyệt chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên chính quyền không thể bàn giao. Thêm vào đó, thị trường BĐS trầm lắng, nhiều người có tâm lý chờ đợi thị trường sôi động trở lại mới nộp tiền, nhận đất. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Dũng cho biết, huyện còn một số trường hợp đã phê duyệt, nhưng dân không đến nhận đất vì nếu nhận phải nộp 200 triệu đồng mà khó bán với lợi nhuận cao. Huyện đã thông báo, động viên người dân nhận đất, nhưng có lẽ phải chờ đến khi thị trường BĐS ấm lên.
Nơi hoàn thành hạ tầng, phải giao dứt điểm
Không hài lòng với giải thích thiếu thuyết phục của một số địa phương, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đã nhiều lần phải ngắt lời để chỉ đạo giải quyết, xử lý vấn đề ở từng địa phương. Với đề xuất cho ghi nợ nghĩa vụ tài chính, tạm giao đất của quận Hà Đông, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh khẳng định: "Đến giờ, thành phố đã chỉ đạo rõ, không có chuyện tạm giao đất. Trường hợp không thực hiện nghĩa vụ tài chính, chính quyền lập danh sách thông báo công khai; đồng thời, tập trung giải quyết khiếu nại, quy chủ trong trường hợp bán "lúa non" trước khi nhận đất. Vấn đề khúc mắc ở đây là người mua hay người bán phải nộp nghĩa vụ tài chính?".
Còn đối với huyện Quốc Oai, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh yêu cầu lãnh đạo huyện báo cáo Huyện ủy có nghị quyết chỉ đạo thực hiện giao đất dịch vụ. Quốc Oai là huyện có nhu cầu đất dịch vụ cao nhất, nhưng thực hiện giao đất thấp nhất thành phố, nếu làm không tốt có thể dẫn đến nguy cơ khiếu kiện, khiếu nại đông người.
Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và đến nay đã cơ bản giải quyết những vướng mắc trong giao đất dịch vụ ở các quận, huyện, thị xã. Đại diện Sở Tài chính cũng cho biết, nhiều địa phương kiến nghị ứng ngân sách để GPMB, làm hạ tầng khu đất dịch vụ, nhưng khi thành phố quyết định ứng 500 tỷ đồng thì đến nay cũng chỉ có 4 địa phương đăng ký, trong đó 1 địa phương đã thẩm định đăng ký vốn.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh yêu cầu các địa phương giao đất dứt điểm xong trong quý III đối với toàn bộ diện tích đã xây dựng hạ tầng. Đối với diện tích đang GPMB, UBND các quận, huyện có trách nhiệm tập trung thực hiện, trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền báo cáo UBND thành phố giải quyết. Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: Đơn vị có tên trong danh sách ứng vốn đợt 1 phải hoàn thiện ngay thủ tục, nếu không sẽ điều chuyển vốn cho đơn vị khác có nhu cầu. Đối với các sở, ngành, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thành giới thiệu địa điểm, quy hoạch khu đất dịch vụ còn thiếu trong tháng 6-2015; Sở TN-MT theo dõi, đôn đốc các địa phương hoàn chỉnh kế hoạch giao đất dịch vụ, trong đó ấn định rõ tiến độ thực hiện, hoàn thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.