(HNM) - Bảo hiểm, theo cách hiểu đơn giản, là đóng góp lúc bình thường để phòng trừ lúc hiểm nguy, tức là phòng xa sự cố không ai muốn mà chẳng ai dám tin mình không vướng phải.
Bảo hiểm như vậy là rất cần, bởi ai lường được chữ ngờ, nhất là những gì liên quan tới cuộc sống của con người - bệnh tật, tai nạn... Những loại bảo hiểm như vậy được gọi là bảo hiểm y tế, một lĩnh vực đến nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi về tính hiệu quả, mà trước hết là tính thị trường, tức là lợi nhuận và tính nhân văn.
Theo một quyết định mới ban hành, những ai bị tai nạn giao thông sẽ chỉ được giải quyết bảo hiểm y tế khi có xác nhận rằng họ không vi phạm luật. Thoạt nghe quy định đó rất đúng, rất cần, ít nhất cũng để mọi người tôn trọng luật đi đường vốn chưa được coi trọng đúng mức ở nước ta, từ cả phía người dân lẫn phía cơ quan hành pháp.
Thật tiếc là quy định này, cũng như nhiều quy định khác, cứ ban hành mà chưa cân nhắc, tính toán đầy đủ điều kiện thực hiện như thế nào.
Thứ nhất, cơ quan nào, cấp nào có thẩm quyền xác nhận vi phạm hay không vi phạm?
Thứ hai, thời gian xác nhận là bao lâu?
Thứ ba, trong thời gian chờ đợi đó, việc chữa chạy sẽ được tiến hành như thế nào?
Và thứ tư, nếu người bị tai nạn phải bỏ tiền thì sau này sẽ lấy lại ở đâu và bao lâu sẽ được bồi hoàn nếu họ không vi phạm luật?...
Đó là chưa kể đến những tình tiết thường xuyên xảy ra như người ở Lào Cai nhưng tai nạn lại xảy ra ở Đồng Nai thì chi phí đi lại để xin được chứng từ sẽ do ai thanh toán? Hay như những trường hợp để xác định đúng sai, ngành chức năng phải mất cả năm và thậm chí không thể xác định được vì do thời tiết, hoàn cảnh thì sẽ thế nào?
Tình trạng phổ biến ở nước ta là khi có tai nạn bao giờ "anh mạnh" cũng tự nhiên được coi là có lỗi. Xuất hiện một "nguyên tắc" vô hình người điều khiển phương tiện to phải bồi thường cho người điều khiển phương tiện nhỏ. Người đi bộ trong các vụ việc tai nạn giao thông trở thành đối tượng bao giờ cũng đúng. Vậy nếu người gây tai nạn và bị nạn là người đi bộ, còn đối tượng của từng vụ việc cụ thể ấy là lái xe máy hay ô tô nhưng vẫn phải bồi thường "cho xong chuyện" thì sẽ sao đây?
Vừa rồi, sau khi dư luận lên tiếng, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị giải quyết mọi trường hợp tai nạn giao thông không chờ kết quả thẩm định đúng sai, nhất là đối với trẻ dưới 6 tuổi và người tâm thần nhưng bên bảo hiểm không đồng ý. Theo họ, trước hết cần phải quy định rõ cơ quan nào, cấp nào đủ thẩm quyền xác nhận có hay không việc phạm luật; mức độ vi phạm...
Đề xuất như của Bộ Y tế, theo chúng tôi, đúng nhưng vẫn chưa đủ. Nên quy định rõ những độ tuổi nào, những loại bệnh nào sẽ không ý thức được việc làm nên họ có tự gây ra tai nạn cũng phải được cứu chữa theo bảo hiểm. Và ngành công an, nơi đưa ra phán quyết phạt hay không; phạt mức độ nào... và đó là cơ sở để biết chữa trị hay không theo bảo hiểm, sao tới giờ vẫn chưa lên tiếng? Còn cơ quan bảo hiểm, xưa nay vốn được tiếng thu thì nhanh chi thì chậm và càng bớt chi càng tốt, cũng nên xem xét lại cách làm của mình. Mạng sống con người thì các vị không thể quá chi li. Hơn nữa, cơ quan bảo hiểm chưa bao giờ bị thiệt trong chuyện chi trả, thậm chí có lúc còn thừa hàng trăm tỷ mà không biết chi vào đâu do những quyết định quá cứng nhắc như vậy.
Bảo hiểm là để giúp cho con người, xã hội trong hoàn cảnh khó khăn, giúp mọi người thoát hiểm chứ không phải để cơ quan bảo hiểm giữ cho bản thân bình an trong mọi trường hợp, hay thậm chí vượt kế hoạch về thu chi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.