Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan sân khấu thiếu nhi: Lắm chông gai nhưng không lùi bước

Trà Giang| 06/06/2020 10:44

(HNMCT) - Cũng là “đến hẹn lại lên” nhưng các chương trình giải trí, đặc biệt là sân khấu cho thiếu nhi dịp hè năm nay mang vẻ đặc biệt. Năm học kéo dài cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cả nghệ sĩ và khán giả cảm thấy e dè, hồi hộp... Làm sân khấu cho thiếu nhi vốn đã khó, nay có vẻ càng chông gai hơn, nhưng không vì thế mà các nghệ sĩ lùi bước.

Nhà hát Tuổi trẻ trở lại với loạt chương trình đặc sắc dành cho thiếu nhi có tên Bay lên những giấc mơ (mùa 2).

Tái khởi động

Cuối tuần qua, sân khấu thiếu nhi rậm rịch trở lại để đón chào mùa hè đặc biệt cũng như Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6.

Đáng chú ý nhất là Chương trình xiếc Cướp biển của Liên đoàn Xiếc Việt Nam với sự tham gia của 50 diễn viên trẻ tài năng, ra mắt khán giả vào ngày 29-5. Chương trình được đánh giá cao khi thể hiện câu chuyện hay về lòng dũng cảm dựa trên các tiết mục xiếc có tính giải trí cao và hấp dẫn như: Leo cột, đánh vòng, đu trên cao, hãm tay, nhào lộn... cùng các màn ảo thuật độc đáo. Ngoài ra, chương trình còn có sự xuất hiện của các loài thú như khỉ, vẹt..., mang đến yếu tố vui nhộn cho khán giả nhí. Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Mỗi lần biểu diễn chúng tôi đều đầu tư làm mới nhiều chi tiết, sân khấu luôn mới mẻ, do vậy khán giả cảm thấy thích thú”.

Nhà hát Tuổi trẻ trở lại với loạt chương trình đặc sắc dành cho thiếu nhi có tên Bay lên những giấc mơ (mùa 2). Đó là ba chương trình: Kịch vui thiếu nhi Vaxilixa và phù thủy độc ác, nhạc kịch thiếu nhi Cuộc chiến vô cực và chương trình ca múa nhạc - kịch vui Trống Choai đi đâu thế...? Với chuỗi hoạt động này, các nghệ sĩ gửi gắm nhiều tình cảm, tâm huyết với mong muốn chung tay góp sức chiến thắng dịch bệnh.

Sau khi tái xuất với vở Bệnh sĩ, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam tiếp tục mang vở Anh hùng Sờn Zách với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ, diễn viên như Nghệ sĩ ưu tú Đình Chiến, Phú Đôn, Tuấn Vũ, Trịnh Khánh Linh, Hồng Phúc, Phùng Khánh Linh... phục vụ thiếu nhi tại Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 phố Tràng Tiền) và rạp Tháng Tám...

Vở nhạc kịch Cuộc chiến vô cực.

Khó khăn chất chồng

Sân khấu cho thiếu nhi trước nay vốn gặp nhiều khó khăn nhưng có lẽ chưa năm nào khó khăn chồng chất như hè 2020 này. Nghệ sĩ Hoài Oanh, Giám đốc điều hành Đông Đô Show, đối tác bán vé của rất nhiều nhà hát tại Hà Nội, cho biết: “Các nhà hát, nghệ sĩ đều đang nỗ lực vượt khó để các đêm diễn dành cho thiếu nhi diễn ra đúng hẹn”.  

Khó khăn nhìn thấy được là số lượng điểm diễn, vở diễn dành cho thiếu nhi giai đoạn này giảm mạnh. Trước đây, hầu hết các nhà hát dàn dựng chương trình thiếu nhi dịp 1-6, trong dịp hè và Trung thu thì năm nay, số chương trình được thông báo chỉ lác đác, đa số là tác phẩm được dựng lại để giảm chi phí. Như Cướp biển do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, được Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng, đưa vào biểu diễn từ 2 năm qua. Bay lên những ước mơ của Nhà hát Tuổi trẻ bước vào mùa biểu diễn thứ hai. Năm 2019, dự án nghệ thuật này đã thu hút hàng nghìn lượt khán giả nhỏ tuổi, gặt hái được nhiều thành công, có sức lan tỏa trong xã hội. Vở Anh hùng Sờn Zách của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng được đạo diễn Lâm Tùng dàn dựng và đưa đến với công chúng từ năm 2019.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức cho từng đêm diễn cũng gặp nhiều thách thức hơn. Quay trở lại vào dịp 1-6 nhưng theo NSND Tống Toàn Thắng, các chương trình của Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn phải bảo đảm yêu cầu phòng dịch. Khán giả vào xem phải đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Với Nhà hát Tuổi trẻ, tất cả các buổi diễn trong dự án Bay lên những ước mơ được thực hiện theo yêu cầu chống dịch Covid-19, các em nhỏ cùng phụ huynh được hướng dẫn duy trì khoảng cách an toàn, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và được tặng khẩu trang khi có nhu cầu. Không gian khán đài không được khai thác hết mà phải bỏ trống một số hàng ghế nhằm giữ khoảng cách nhất định giữa các khán giả.   

Vở kịch vui Trống Choai đi đâu thế...?

Theo đánh giá chung, lượng khán giả so với cùng kỳ mọi năm ở các sân khấu đều giảm. Ngay với các buổi biểu diễn vào dịp 1-6, các đơn vị phải tính toán rất kỹ về mặt khán giả. Với chương trình của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kêu gọi các đơn vị thuộc Bộ mua vé ủng hộ chương trình Cướp biển. Nhà hát Tuổi trẻ có sự tài trợ của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet đã dành hàng ngàn vé xem chương trình Bay lên những ước mơ để tặng cho con em các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội..., những người đã và đang ở nơi tuyến đầu chống dịch.

Không để mất tương lai sân khấu

Sân khấu thiếu nhi là mảng khó khăn nhất của ngành Sân khấu nói chung dù đã có rất nhiều nghệ sĩ đầu tư công sức, tâm huyết nhằm tạo ra một sân chơi thú vị và dài hơi cho trẻ. Năm 2019, “Phù thủy bong bóng” Fan Yang kết hợp với một số nghệ sĩ nổi tiếng dựng sân khấu thiếu nhi “triệu đô” ở khu đô thị Times City với trang thiết bị rất hiện đại, nhưng nay thì nơi đó đã rơi vào tình trạng trầm lắng. Cuối năm 2019, nghệ sĩ Xuân Bắc hứa hẹn tạo sân chơi thú vị dịp Giáng sinh ở khu đô thị Ecopark, nhưng hầu hết các đêm diễn đều vắng khách...

Một cảnh trong vở kịch vui Vaxilixa và phù thủy độc ác.

Sự xuất hiện của các phương tiện giải trí hiện đại khiến giới trẻ ít hứng thú hơn với sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống. Nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đành chuyển hướng đầu tư theo kiểu “mùa vụ”, dàn dựng 1 - 2 chương trình cho thiếu nhi vào các dịp đặc biệt.

Nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn, ông chủ sân khấu Idecaf - nơi nổi tiếng với các chương trình dành cho thiếu nhi, từng chia sẻ: “Trẻ em bị áp lực học hành, việc bán vé xem kịch thiếu nhi hằng tuần ngày càng khó khăn nên chỉ có cách “giội bom” định kỳ vào mùa hè, tết Trung thu... hằng năm. Nhưng cũng vì cách làm ấy mà trẻ em ngày càng xa rời sân khấu, bởi bất cứ tình yêu nghệ thuật nào cũng cần phải được nuôi dưỡng thường xuyên.

Sự phập phù về khán giả khiến các đơn vị, nhà hát không dám liều dàn dựng chương trình công phu, một số nơi chỉ “dựng cho có”... Vòng luẩn quẩn đó khiến sân khấu thiếu nhi “giậm chân tại chỗ”, chưa có sự bứt phá.

Đạo diễn Chánh Trực từng chia sẻ rất đúng rằng: “Muốn làm kịch cho thiếu nhi thì cần xác định tâm thế bền bỉ. Đây là bài toán khó bởi làm kịch cho trẻ thì phải đầu tư công phu, diễn viên phải bỏ công sức tập dượt nhiều, chuyện lấy lại vốn không hề đơn giản. Vì vậy, quyết tâm làm kịch thiếu nhi thì người lớn phải dám hy sinh, chứ cứ nghĩ đến tiền bạc, lời lỗ thì sẽ dễ nản lòng”.

Khán giả trẻ chính là tương lai của sân khấu. Nếu đầu hàng trước những khó khăn trước mắt, sân khấu sẽ “đánh rơi” tương lai của mình!

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam:

Dẫu không đặt quá nhiều kỳ vọng vào số lượng khán giả của các chương trình dành cho thiếu nhi dịp hè 2020 này nhưng chúng tôi vẫn sẽ biểu diễn đều bởi quan trọng nhất là phục hồi hoạt động biểu diễn, đưa khán giả quay trở lại nếp thưởng thức nghệ thuật, động viên các em thiếu nhi bằng những đêm diễn chất lượng cao. Bản thân các nghệ sĩ cũng nhớ sân khấu lắm rồi.

Anh Thế Toàn, phụ trách truyền thông Nhà hát Tuổi trẻ:

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ nghỉ hè của các em thiếu nhi bị rút ngắn nên kế hoạch biểu diễn của Nhà hát cũng có nhiều thay đổi. Chúng tôi hy vọng dự án Bay lên những ước mơ (mùa 2) sẽ mang đến những khoảnh khắc bổ ích, đáng nhớ, tiếp thêm động lực cho các em trước thềm năm học mới. Dự án sẽ đến với thiếu nhi với nhiều suất diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ - 11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan sân khấu thiếu nhi: Lắm chông gai nhưng không lùi bước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.