Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giãn dân phố cổ: “Đất vàng” và điều kiện sống

Dạ Khánh| 26/04/2012 07:17

(HNM) - Giữa tháng 4-2012, UBND quận Hoàn Kiếm đã có báo cáo lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng các sở, ban, ngành liên quan về cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng và tái định cư đề án giãn dân phố cổ.

Người dân phố cổ cần nghĩ đến tương lai lâu dài của con em để nghiêm túc thực hiện dự án giãn dân. Ảnh: Nam Khánh


Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Khoa học xã hội Việt Nam): Nên suy nghĩ cho cả thế hệ mai sau

Phố cổ Hà Nội thường được mọi người biết đến với nhiều ngõ nhỏ và sâu. Bên trong các con ngõ rộng chưa đầy 1m có hàng chục hộ gia đình sinh sống. Có gia đình 8 người mà mọi sinh hoạt chỉ gói gọn trong diện tích vỏn vẹn hơn chục mét vuông. Không chỉ một thế hệ, mà có tới 2-3 thế hệ với nhiều thành viên trong gia đình cùng sinh sống. Thực tế, điều kiện sống tại hầu hết các hộ trong phố cổ là khá chật hẹp, bí bách, thiếu không khí và thiếu cả ánh sáng. Ngoài ra, rất nhiều ngôi nhà, công trình dân dụng trong khu vực phố cổ đang ở tình trạng xuống cấp trầm trọng. Các nguy cơ về hỏa hoạn, sập, đổ là rất rõ và luôn ở mức báo động cao. Do đó, việc giãn dân sinh sống trong khu vực phố cổ để có điều kiện bảo tồn và nâng cao chất lượng sống của người dân là hết sức cần thiết. Đất phố cổ là "đất vàng" thật, nhưng sinh sống trong điều kiện, môi trường như vậy, mà vẫn quyết bám trụ thì không nên. Theo tôi, các gia đình nên suy nghĩ cho cả thế hệ mai sau.

Ông Nguyễn Văn Tiến (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm): Không đơn giản là di dời

Mặc dù không gian sống tại khu vực phố cổ khá chật hẹp, nhưng đây là khu vực rất dễ kiếm tiền. Chỉ cần bước chân ra cửa là có tiền bằng các công việc bán kinh doanh, dịch vụ bình thường. Việc chuyển đi chỗ khác rộng hơn người dân cũng không biết làm gì để kiếm sống. Vì vậy, vấn đề giãn dân phố cổ không đơn giản chỉ là di dời các hộ dân sang tái định cư tại nơi ở mới, mà còn phải giải quyết vấn đề mưu sinh cho người dân. Dân phố cổ thường làm nghề truyền thống, kinh doanh buôn bán, nếu phải chuyển đến chỗ ở mới, "miếng cơm manh áo" của người dân sẽ như thế nào, họ làm gì để bảo đảm cuộc sống? Bên cạnh đó, trường học, trạm xá, chợ ở các khu giãn dân sẽ ra sao hay lại giống như cảnh các khu tái định cư "3 không" khác trên địa bàn Thủ đô: không trường, không trạm xá, không chợ?

Bà Nguyễn Thu Hằng (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng): Cơ hội tạo lập cuộc sống mới

Đề án giãn dân phố cổ và kế hoạch triển khai được cụ thể, thực hiện bài bản mà UBND quận Hoàn Kiếm đưa ra mới đây xem ra đã được cơ quan chức năng nghiên cứu, tính toán khá kỹ. Sống ở phố cổ có thể khả năng kiếm tiền dễ dàng hơn, nhưng có những chỗ gần 200 người sống chung trong một căn biệt thự cổ, chung nhau 3 nhà vệ sinh, 5 nhà tắm hay 10 hộ chung nhau một bể nước... quả thật quá khổ sở. Đó là chưa kể không gian sống tối tăm, ẩm thấp. Dù là "đất vàng", nhưng thử hỏi ai bỏ tiền tỷ để mua 5-7m2 đất bên trong, nếu không phải là mua gom được của các nhà khác cùng số để tu sửa lại, có được không gian, diện tích rộng rãi hơn? Trên thực tế, những người sống nhờ vào địa thế trung tâm để buôn bán chỉ là số ít, còn phần đông vẫn phải đi làm chỗ khác rồi tối về bằng lòng với việc có một chỗ ngả lưng. Theo tôi, đề án giãn dân phố cổ là cơ hội để người dân sống trong khu vực phố cổ chuyển dời, tạo lập một cuộc sống mới. Bên cạnh đó, phố cổ Hà Nội cần phải được trùng tu, bảo tồn để phát huy giá trị văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến, thu hút khách du lịch bốn phương.

Ông Trần Lộc (phường Kim Mã, quận Ba Đình): Cần sự chỉ đạo sát sao hơn của thành phố Hà Nội

Khu vực phố cổ Hà Nội đúng là thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhưng vấn đề di dân phố cổ với công cuộc chuyển hơn 6.550 hộ dân, khoảng 26.200 người là vấn đề quá lớn, phức tạp và chưa hề có tiền lệ đối với Thủ đô, đòi hỏi có sự chỉ đạo trực tiếp sát sao hơn của UBND thành phố Hà Nội. Chủ trương di dân phố cổ là nhằm cải thiện môi trường sống, khắc phục tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cần có các cơ chế, chính sách cũng như chế tài trong việc giải phóng mặt bằng, giãn dân, bố trí tái định cư... khác hẳn các trường hợp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện trước đây. Việc này đòi hỏi cơ quan có đủ tầm để hoạch định. Chẳng hạn, UBND thành phố Hà Nội là cơ quan nghiên cứu, lên phương án, ra các cơ chế, chính sách, còn UBND quận Hoàn Kiếm là đơn vị trực tiếp thực hiện. Đặc biệt, vấn đề hậu giãn dân, giải pháp chống tăng dân phố cổ trở lại, quản lý, sử dụng diện tích nhà sau di chuyển như thế nào... điều này cũng rất đáng lưu tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giãn dân phố cổ: “Đất vàng” và điều kiện sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.