(HNM) - Muốn bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ Hà Nội, vấn đề đầu tiên cần làm là giãn dân. Bởi lẽ, dân số đông không chỉ gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật đô thị mà còn tác động đến các công trình nhà ở, kiến trúc, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình bảo tồn những giá trị văn hóa được xem là hồn cốt kinh kỳ.
Vấn đề giãn dân phố cổ đã được đặt ra từ nhiều năm trước và đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố. Một đề án có giá trị nhiều tỷ đồng, được nghiên cứu kỹ lưỡng với tâm sức của những người yêu Hà Nội và có trách nhiệm với Hà Nội đã được hình thành, một khu đô thị mới cũng đã rõ hình hài. Thế nhưng đến nay, việc di dân ra khỏi nơi "phố phường chật hẹp, người đông đúc" vẫn dậm chân tại chỗ...
Đề án giãn dân phố cổ nhằm "góp phần cải thiện môi trường đô thị, cải thiện đời sống cho người dân trong khu phố cổ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các di tích và các công trình kiến trúc cổ có giá trị trong khu phố cổ Hà Nội" –
Những người có trách nhiệm và giới truyền thông không ít lần khẳng định về mục đích của đề án. Thế nhưng, người phố cổ bất chấp điều kiện "ổ chuột" với đủ chuyện "dở khóc, dở cười" khi nhiều thế hệ buộc phải sống chung trong một không gian chật hẹp, vẫn nhất quyết "giãy nảy" mỗi khi ai đó đề cập đến chuyện "di dân". Vậy có thể đặt câu hỏi: Tại sao, người hàng phố lại "quay lưng" với một đề án nhằm mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho cư dân phố cổ và giải quyết những nhu cầu bức xúc của chính họ?
Có rất nhiều lý do. Theo một kiến trúc sư, bất kể những khu tái định cư hay ho, hiện đại cỡ nào cũng không thể thay thế những không gian gắn với lịch sử và kỷ niệm, do người dân có quyền tự chủ tạo nên. Rồi những thói quen, những nếp sinh hoạt đã làm nên thương hiệu "người hàng phố" mà không ai muốn thay đổi... Và đương nhiên phía sau những giá trị mang ý nghĩa tinh thần ấy là chuyện cơm áo gạo tiền. Nhiều người dân "buôn đầu phố, bán cuối phố" cũng kiếm đủ tiền nuôi mấy miệng ăn, chưa nói chuyện người có cửa hàng dù chỉ mấy mét vuông... Thế nên hỏi chuyện di dân, nhiều người tâm trạng: Chẳng biết dời sang khu đô thị mới sẽ làm ăn buôn bán như thế nào?
Như trên đã nói, nếu không giãn dân, không thể tính chuyện bảo tồn và phát huy giá trị của kinh kỳ, Kẻ Chợ. Do vậy, giảm mật độ dân số tại khu vực "ba sáu phố phường" là việc không thể không làm. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo được sự đồng thuận của người dân phố cổ và toàn xã hội? Bên cạnh việc hình thành một khu đô thị mới văn minh, hiện đại thì vấn đề - cũng là câu hỏi trước mắt cần đặt ra là: Người dân khu vực phố cổ khi di dời sẽ được hưởng quyền lợi gì, sẽ làm ăn sinh sống ra sao? Và xa hơn, nhưng không thể không tính là việc cải thiện điều kiện sống cho những người ở lại, bởi chính họ sẽ sống tại những công trình được trùng tu, cải tạo, bảo tồn.
Và còn rất nhiều, rất nhiều vấn đề nữa cần được đặt ra, cần được giải quyết, cuộc tọa đàm trực tuyến về "Đề án giãn dân phố cổ" do Báo Hànộimới tổ chức hôm nay sẽ là một diễn đàn để những người làm công tác quản lý, quy hoạch, văn hóa… và cư dân phố cổ tìm tiếng nói chung góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra, tạo đồng thuận xã hội trong việc thực hiện một đề án quan trọng của thành phố, bảo tồn hồn cốt kinh kỳ vì sự phát triển Thủ đô văn hiến, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.