Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giãn cách xã hội làm hạn chế điều kiện hoạt động của tội phạm

Tiến Thành| 24/10/2021 13:19

(HNMO) - Sáng 24-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 và dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Quang cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự phiên thảo luận.

Lo ngại gia tăng tội phạm, vi phạm pháp luật do dịch bệnh

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên - Huế) và đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn Thái Nguyên) nêu thực tế, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án thụ lý tăng, năm sau cao hơn năm trước. Mặc dù nhiệm vụ được giao tăng thêm, nhưng các ngành không đủ biên chế, chức danh tư pháp để thực hiện do phải tinh giản biên chế. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét tăng, bổ sung biên chế ít nhất là bằng mức trước năm 2015 để bảo đảm ngành Kiểm sát, Tòa án, Công an thực hiện tốt các nhiệm vụ được Quốc hội giao hằng năm.

Về công tác thi hành án, theo đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng), việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước, nhân dân rất quan tâm. Đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật Thi hành án dân sự đối với trường hợp ủy thác xử lý tài sản khi người phải thi hành án có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau để rút ngắn thời gian và bảo đảm hiệu quả thi hành án, nhất là trong thu hồi tiền và tài sản cho ngân sách nhà nước trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Đoàn Ninh Thuận) nhận định, trước tác động của đại dịch Covid-19, nhiều tầng lớp nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và đời sống, 70% số lượng người lao động rời các thành phố lớn về quê tránh dịch bị mất việc làm; đồng thời năm 2021 tỷ lệ thất nghiệp nói chung của cả nước cũng tăng cao, đây là điều kiện cho các hành vi cho vay nặng lãi, tội phạm “tín dụng đen” hoạt động. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng thực hiện các chính sách an sinh xã hội để ngăn chặn tội phạm lợi dụng tình hình để thực hiện các vi phạm pháp luật.

Còn đại biểu Trần Đình Văn (Đoàn Lâm Đồng) nêu con số, cả nước hiện nay có 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, thực tế con số này còn nhiều hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc quản lý người nghiện lại càng khó khăn. Đại biểu cho rằng, người nghiện gây nhiều lo ngại mất trật tự an toàn xã hội, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại cộng đồng.

“Để vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh vừa bảo đảm quyền con người, đề nghị Chính phủ và các cơ quan tư pháp cần sớm khảo sát, thống kê, nắm bắt tình hình người nghiện ma túy để kịp thời kiến nghị sớm ban hành cơ chế, pháp lý hành lang chặt chẽ để xử lý phù hợp với tình hình mới”, đại biểu Trần Đình Văn kiến nghị

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) thảo luận trực tuyến.

Bày tỏ quan tâm đến tình hình gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ thời gian qua, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) nêu dẫn chứng từ báo cáo của Chính phủ, các vụ việc gây rối trật tự trong năm 2021 tăng hơn 18%, các vụ việc chống người thi hành công vụ tăng 20%. Từ đó, đại biểu này đề nghị đánh giá vì sao tỷ lệ lại gia tăng đột biến và cần làm rõ có bao nhiêu vụ việc liên quan đến phòng, chống dịch.

Vấn đề thứ hai đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh đó là hoạt động nhân đạo. Theo đó, trong các hoạt động kêu gọi vận động từ thiện trong phòng, chống dịch, thiên tai lũ lụt vừa qua đã xảy ra tình trạng tranh chấp, nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống.

“Các cơ quan cần vào cuộc mạnh mẽ vấn đề này một cách kịp thời hơn để làm rõ, trả lời cho công luận, cử tri biết ai đúng, ai sai”, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị.

Chuẩn bị kỹ cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến

Một nội dung thảo luận khác được nhiều đại biểu quan tâm là việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, đây là vấn đề còn mới, phát sinh từ yêu cầu thực tiễn nhưng chưa có luật quy định. Do đó, cần thiết phải rà soát, đánh giá về điều kiện tổ chức tại cơ sở. Bên cạnh đó, khi tổ chức phiên tòa trực tuyến phải quán triệt tuân thủ nguyên tắc không làm phát sinh thêm thủ tục tố tụng mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thảo luận trực tuyến.

Tuy nhiên, tranh luận với các đại biểu khác về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp được và quy định ngay trong Nghị quyết về điều kiện sự đồng ý của các bên tham gia vào tổ chức phiên tòa thay vì quy định trong thông tư hướng dẫn.

Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến công tác chuẩn bị, các điều kiện bảo đảm để xét xử trực tuyến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, để có tòa án điện tử cần phải có các yếu tố: Hạ tầng, nhân lực và công chúng có sử dụng công nghệ thông tin. Đề án về xây dựng tòa án điện tử đã được hoàn thành với sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng, đơn vị liên quan và đã báo cáo với Chính phủ.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải trình.

“Tòa án nhân dân Tối cao đã chuẩn bị bảo đảm các điều kiện để xét xử trực tuyến ở một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Giang... Trước mắt, tòa trực tuyến sẽ triển khai ở các địa phương đã có chuẩn bị thấu đáo về hạ tầng công nghệ thông tin”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật đều giảm song chưa bền vững, nguyên nhân chủ yếu là giãn cách xã hội đã làm hạn chế điều kiện hoạt động của tội phạm.

“Tuy nhiên, một số loại tội phạm lại có xu hướng gia tăng như chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tung tin giả và lợi dụng chính sách phòng, chống dịch để trục lợi”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu thảo luận.

Cuối phiên thảo luận, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã phát biểu tiếp thu, giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm đến báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thời gian thảo luận, đã có 43 lượt đại biểu phát biểu ý kiến và tranh luận. Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, nhìn chung các đại biểu thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm cao, thể hiện sự đồng tình với việc 5 báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chất lượng, thể hiện kết quả trên tất cả các mặt công tác; bên cạnh một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.

“Các đại biểu Quốc hội cũng cơ bản đồng tình với sự cần thiết, phạm vi, cách thức tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại cuối kỳ họp thứ hai”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giãn cách xã hội làm hạn chế điều kiện hoạt động của tội phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.