(HNMO) – Sở Công thương TP Hà Nội vừa có Tờ trình số 1168/TTr-SCT ngày 8-4-2013, gửi UBND TP Hà Nội đề xuất nghiên cứu “Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường”.
Theo Sở Công thương, hiện trên thế giới, tại các TP lớn, chính quyền đang tìm cách giảm bớt lưu lượng ô tô, xe máy tham gia gia thông đô thị nhằm giảm ùn tắc, giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường. Trong khi đó, tại TP Hà Nội nói riêng , Việt Nam nói chung và một số quốc gia đang phát triển lại mong muốn thay đổi chiếc xe đạp để có một chiếc xe gắn máy hay ô tô. Đó là nhu cầu tất yếu của cuộc sống, khi Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, cuộc sống của người dân đã vượt được cái nghèo, muốn được ăn ngon, mặc đẹp, đi lại thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh các phương tiện như ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm do khí thải CO2 từ việc sử dụng nhiên liệu xăng dầu- nguồn năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm.
Theo đó, TP Hà Nội cần học hỏi kinh nghiệm của những TP phát triển như Amsterdam (Hà Lan)- một trong mười TP sạch nhất trên thế giới, có tỷ lệ người dân đi xe đạp cao nhất trên thế giới. Hay như chính quyền TP London (Anh) đã nỗ lực chi 1,37 tỉ USD cho 24km đường dành cho xe đạp. Đài Loan (Trung Quốc) thường xuyên tổ chức những hội chợ xe đạp lớn nhất châu Á nhằm tuyên truyền ý thức đi xe đạp cho người dân, tạo một không gian trong sạch ít ô nhiễm.
Mặt khác, ý thức sử dụng phương tiện xe đạp trong giao thông đô thị là một sự thay đổi trong nhận thức mà một TP đang phát triển như Hà Nội cần nghiêm túc nhìn nhận. Sự gia tăng mật độ xe máy, ô tô trong giao thông đô thị đang đe dọa sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng giao thông, môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm, nguồn nhiên liệu khan hiếm ngày càng đắt đỏ, sức khỏe của người dân liên quan đến bệnh hô hấp tăng.
Do đó, “Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường” được cho là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và quy hoạch giao thông chưa hoàn chỉnh.
Mục tiêu của đề án là đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ xe đạp của TP Hà Nội; tính toán lợi ích của việc sử dụng xe đạp; tổ chức triển lãm xe đạp nhằm tuyên truyền, khuyến khích người dân TP sử dụng xe đạp; đề xuất các giải pháp phát triển xe đạp trong giao thông đô thị, kích cầu xe đạp, tìm hướng đi cho ngành sản xuất xe đạp nội địa.
Đề án dự kiến thực hiện trong 24 tháng với kinh phí khoảng 900 triệu đồng, lấy nguồn từ Qũy xúc tiến thương mại TP Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.