Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm: Còn nhiều việc phải làm

Việt Nga| 20/09/2013 06:36

(HNM) - Theo Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA), Việt Nam hiện đã ra khỏi danh sách nhóm quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) máy tính cao nhất thế giới.

5 năm trở về trước, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ dùng phần mềm "chùa" cao nhất thế giới. Điều đó cho thấy chúng ta chưa tuân thủ nghiêm các quy định quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ, mà còn là sự e ngại cho các tập đoàn toàn cầu tham gia hoặc đầu tư nhiều hơn vào thị trường nước ta, hoặc là cản trở khi DN trong nước tham gia thị trường nước ngoài. Về lâu dài, việc không đẩy lùi nạn vi phạm BQPM có thể gây thiệt hại cho sự phát triển kinh tế trong nước.

Cơ quan chức năng kiểm tra việc sử dụng bản quyền phần mềm tại một doanh nghiệp.


Theo một nghiên cứu tại thị trường Việt Nam do BSA công bố thì cứ tăng 1% mức sử dụng phần mềm có bản quyền thì sẽ tạo ra được khoảng 87 triệu USD giá trị sản phẩm kinh tế quốc dân, so với mức 37 triệu USD có được từ việc tăng sử dụng phần mềm lậu… Nhận thức được vấn đề này, các CQNN Việt Nam (đại diện là Cục Bản quyền tác giả và Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký kết biên bản ghi nhớ với BSA - tổ chức đại diện của các hãng phần mềm lớn toàn cầu triển khai chương trình hợp tác bảo vệ BQPM từ năm 2008.

5 năm qua, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra tại các DN cả trong nước, DN FDI; các DN kinh doanh máy tính, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh máy tính và xử phạt hành chính với số tiền cả tỷ đồng vì lỗi vi phạm BQPM. Cụ thể, năm 2012 xử phạt lên tới 1,58 tỷ đồng; hết tháng 7-2013 xử phạt với số tiền là gần 1,3 tỷ đồng. Hoặc có thể lấy một số dẫn chứng cho thấy cộng đồng DN trong nước đã ngày càng chú trọng việc sử dụng phần mềm có bản quyền. Chẳng hạn, năm 2011 các cơ quan chức năng thanh tra tại 59 DN, kiểm tra 2.299 máy tính và thấy số tiền mua phần mềm có bản quyền là gần 19 tỷ đồng; năm 2012, kiểm tra 89 DN cho thấy các đơn vị đã chi hơn 39 tỷ đồng; đến đầu tháng 8-2013, thanh tra 64 DN cho thấy họ đã dành hơn 11 tỷ đồng mua BQPM… Đó là chưa kể đến việc không ít CQNN, tập đoàn lớn đã ký thỏa thuận mua trực tiếp phần mềm máy tính có bản quyền với các nhà cung cấp để sử dụng cho đơn vị mình, thậm chí cho cả nhân viên mình dùng tại nhà. Với những nỗ lực không nhỏ của các CQNN, DN trong việc giảm nạn vi phạm BQPM máy tính đã góp phần tích cực đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có tỷ lệ vi phạm cao nhất.

Mặc dù Việt Nam đã giảm mạnh việc vi phạm BQPM trong những năm qua, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao so với mức trung bình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (60%). Do đó, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, CQNN sẽ triển khai các chương trình tăng cường nhận thức về BQPM thông qua chiến dịch tuyên truyền để hướng tới mục tiêu lâu dài là giảm tỷ lệ vi phạm BQPM tại Việt Nam xuống bằng tỷ lệ trung bình của khu vực.

Theo công bố của BSA, nếu như năm 2004, tỷ lệ vi phạm BQPM ở Việt Nam là 92% thì đến năm 2011 đã giảm còn 81%. BSA đánh giá Việt Nam là quốc gia có những bước tiến mạnh và khả quan nhất trong cuộc chiến chống vi phạm BQPM.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm: Còn nhiều việc phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.