Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2016-2020: Về đích trước một năm

Trung Hiếu| 07/04/2020 06:49

(HNM) - Trong giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống còn 6,5% nhưng tới năm 2019, Tập đoàn đã về đích trước một năm so với kế hoạch. Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới Tập đoàn sẽ tiếp tục đúc rút kinh nghiệm xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ tổn thất điện năng một cách hợp lý...

Nhân viên điện lực kiểm tra an toàn hệ thống tại Trạm biến áp 500kV Pleiku nhằm giảm tổn thất điện năng. Ảnh: Thanh Hải

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân, giảm tổn thất điện năng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Điện nhằm góp phần bảo đảm cung cấp điện và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Vì thế, Tập đoàn đã phân bổ chỉ tiêu cụ thể đến từng tổ, đội sản xuất, cá nhân phụ trách để gắn nhiệm vụ giảm tổn thất điện năng với việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, trong quản lý, EVN ban hành quy trình vận hành hệ thống điện, tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị trên lưới để tránh sự cố chủ quan làm tăng tổn thất điện năng…

"Với những nỗ lực đó tỷ lệ tổn thất điện năng giảm qua từng năm. Nếu như năm 2018 tỷ lệ này của EVN là 7,04% thì trong năm 2019 giảm còn 6,5%. Mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020, tổn thất điện năng của EVN sẽ giảm xuống 6,5%. Như vậy, EVN đã hoàn thành mục tiêu trước một năm so với kế hoạch", ông Trần Đình Nhân thông tin.

Theo Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất của EVN Lê Việt Hùng, tỷ lệ tổn thất điện năng của tập đoàn đã giảm đến mức thấp sát ngưỡng kỹ thuật. Hiện nay, những khu vực phụ tải tập trung có tỷ lệ tổn thất điện năng thấp, như tỉnh Bình Dương 2,95%, tỉnh Lào Cai 2,97%, thành phố Đà Nẵng 3,0%... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương có lưới điện kéo dài, điều kiện vận hành khó khăn, tỷ lệ tổn thất điện năng cao trên 7% như Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa... Ở các khu vực này muốn giảm tổn thất điện năng xuống 3% đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn.

Hiện nay, trở ngại lớn nhất của việc giảm tổn thất điện năng là vấn đề đầu tư phát triển hệ thống điện theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Thực tế, khi triển khai thực hiện quy hoạch, nhiều công trình điện đã bị chậm tiến độ do thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công không bảo đảm đúng tiến độ cam kết...

Mặt khác, Giáo sư Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, việc đầu tư giảm tổn thất điện năng phải cân đối với hiệu quả đầu tư, khả năng cung cấp điện ổn định trên lưới và khả năng thu hồi vốn đầu tư.

Hiện tại, theo ông Trần Đình Nhân, với những kết quả đạt được, EVN sẽ tiếp tục đúc rút kinh nghiệm xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ tổn thất điện năng một cách hợp lý, tập trung thực hiện tối đa các giải pháp quản lý vận hành, quản lý kinh doanh. EVN cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đầu tư hiệu quả, hợp lý, với mục tiêu chính là tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng điện cung cấp cho khách hàng. Tập trung giảm tỷ lệ tổn thất điện năng sẽ gắn với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, bảo đảm mục tiêu phát triển tổng thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2016-2020: Về đích trước một năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.