Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm thiểu tác hại của thiên tai đến đời sống của người dân

Hương Ly| 28/05/2020 19:25

(HNMO) - Chiều 28-5, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm sử dụng hiệu quả Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT), đồng thời đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tác hại của thiên tai, biến đổi khí hậu tới đời sống của người dân.

Bổ sung nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các đại biểu đã nêu ý kiến tập trung vào 8 nhóm vấn đề, gồm: Bổ sung một số loại hình thiên tai, nguồn nhân lực cho PCTT, ngân sách nhà nước cho PCTT, Quỹ PCTT, thẩm quyền vận động quyên góp, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, trách nhiệm của Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn, cấp phép nạo vét luồng lạch đối với đê từ cấp III trở lên và sử dụng bãi nổi, cù lao.

Liên quan đến Quỹ PCTT (Khoản 7, Điều 1), nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần thiết thành lập Quỹ PCTT Trung ương và đề nghị quy định rõ nguồn tài chính của quỹ; nguồn thu, cơ chế sử dụng, việc điều chuyển quỹ trong Luật để tránh trùng lặp, làm rõ có phát sinh thêm bộ máy hay không.

Một số ý kiến lại cho rằng, không nên thành lập quỹ này vì nguồn huy động của quốc tế ngoài ngân sách là không lớn và đã có các tổ chức huy động và tiếp nhận.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Luật PCTT hiện hành chỉ quy định về Quỹ PCTT được thành lập ở cấp tỉnh là quỹ hoạt động phi lợi nhuận, ngoài ngân sách nhà nước để hỗ trợ hoạt động PCTT ở địa phương. Thực tiễn PCTT cho thấy, ở địa phương thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ PCTT lớn nhưng nguồn thu của quỹ lại thấp, ngược lại một số địa phương khác lại có kết dư quỹ lớn. Do vậy, cần có cơ chế điều tiết giữa các Quỹ PCTT cấp tỉnh. Việt Nam hiện tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về thiên tai, lại là nước bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, đã có một số Chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho khắc phục hậu quả thiên tai nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận. Vì vậy, việc thành lập Quỹ PCTT Trung ương để tiếp nhận hỗ trợ trực tiếp nước ngoài và điều tiết từ Quỹ PCTT cấp tỉnh là cần thiết”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ.

San sẻ trách nhiệm với các địa phương hay xảy ra thiên tai

Thảo luận trực tuyến về Luật Đê điều và Luật PCTT, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) đã nêu thực trạng về việc cán bộ địa phương tại các vùng hay xảy ra thiên tai, bão lũ rất vất vả ứng phó khi thiên tai xảy ra. Khi thiên tai đi qua, chính những cán bộ này lại phải lo thực hiện việc tiếp nhận và phân bổ hàng cứu trợ.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên phân bổ trách nhiệm tiếp nhận và phân bổ hàng cứu trợ lụt bão, thiên tai cho Hội Chữ thập đỏ hoặc Mặt trận Tổ quốc nhằm san sẻ bớt công việc cho các địa phương.

Đại biểu Lê Quang Trí (Đoàn Tiền Giang) lại nêu thực trạng, trong những tháng đầu năm 2020, nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra hạn mặn, khiến người dân thiếu nước sử dụng. Từ thực tế này, đại biểu đề xuất Chính phủ khẩn trương xây dựng kế hoạch nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Cùng với việc khẩn trương xây dựng các ao hồ nhằm trữ nước, cần có chính sách ưu đãi đầu tư với những công trình trữ nước ngọt tại vùng hay bị hạn hán, xâm nhập mặn để giúp người dân nơi đây bớt khó khăn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) lại băn khoăn về việc đưa sương mù vào một loại hình thiên tai. Theo đại biểu, cử tri miền núi băn khoăn vì sương mù là loại hình thời tiết bình thường ở miền núi, không phải hiện tượng thời tiết bất thường và không phải là thiên tai với vùng núi cao. Dẫn ví dụ nước Anh còn tự hào khi được coi là xứ sở sương mù, đại biểu cho rằng, đưa sương mù vào các loại hình thiên tai là không hợp lý.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có 11 ý kiến đại biểu đã đóng góp nhằm hoàn thiện dự án Luật. Các cơ quan hữu quan sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Cuối phiên thảo luận chiều 28-5, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đánh giá cao kỳ họp trực tuyến (kéo dài từ ngày 20 đến 28-5), đồng thời cho rằng, mặc dù họp theo hình thức mới do dịch Covid-19, song các phiên họp vẫn diễn ra nghiêm túc, dân chủ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong đợt họp tập trung (diễn ra từ ngày 8-6 đến 18-6), Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiểu tác hại của thiên tai đến đời sống của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.