(HNM) - Trong thời gian gần đây, ô nhiễm không khí luôn là vấn đề “nóng” với các đô thị, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sức khỏe người dân. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái cho biết, Hà Nội đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí.
- Ô nhiễm không khí luôn là vấn đề lớn với các đô thị. Ông có thể cho biết rõ hơn về tình trạng này ở Hà Nội?
- Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội trong thời gian qua chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn. Bụi này được phát thải từ các phương tiện giao thông (ô tô, xe máy); từ việc sử dụng bếp than tổ ong; đốt rơm rạ, rác thải ngoài trời. Ô nhiễm cũng phát sinh từ hoạt động xây dựng, cải tạo, sửa chữa đường giao thông và các công trình xây dựng khác... khiến đất, cát rơi vãi.
Mặt khác, xung quanh Hà Nội có nhiều làng nghề sản xuất, khu công nghiệp hoạt động, hằng ngày tạo ra một lượng lớn khí thải và theo gió di chuyển vào trung tâm thành phố, kết hợp với nguồn ô nhiễm nội sinh càng làm không khí bị ô nhiễm nặng nề hơn. Trong đó, thời điểm ô nhiễm không khí cao nhất hằng năm là từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
- Vậy, ông có thể cho biết bụi mịn ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của con người?
- Bụi mịn có kích thước nhỏ bằng 1/30 sợi tóc, chúng lơ lửng và choán đầy trong không khí, dễ dàng xâm nhập vào hệ hô hấp và hệ tuần hoàn. Khi bụi mịn đi vào cơ thể, tích tụ nhiều sẽ gây ra một số bệnh mạn tính cho con người, đặc biệt là các bệnh về hô hấp, tim mạch...
Nồng độ bụi mịn được tính theo 6 bậc thang đo chỉ số chất lượng không khí (AQI). Nếu AQI từ 0 đến 50, không khí ở mức tốt; từ 51 đến 100, là mức trung bình; từ 101 đến 150 là mức kém; từ 151 đến 200 là mức xấu; từ 201 đến 300 là mức rất xấu và từ 300 trở lên là mức nguy hại cho sức khỏe con người.
- Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã yêu cầu, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 tạo chuyển biến căn bản về chất lượng không khí. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
- Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang tập trung kiểm kê nguồn thải để có giải pháp xử lý ô nhiễm. Trong đó, Sở đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động; ngày 27-5 vừa qua tiếp tục đưa vào vận hành 24 trạm nữa, nhằm đánh giá hiện trạng, diễn biến môi trường không khí ở Hà Nội một cách chính xác nhất, làm căn cứ cho thành phố xây dựng giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, thành phố đã quyết liệt triển khai 19 giải pháp tổng thể và đề xuất rửa đường trong những ngày thời tiết hanh khô để giảm bụi. Thành phố cũng đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30-10-2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố; ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25-12-2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí. Bên cạnh đó, thành phố đang xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường; tiếp tục triển khai kế hoạch tăng diện tích cây xanh trong khu vực đô thị nhằm tạo vành đai xanh, khu phố xanh, thành phố xanh.
Về lâu dài, thành phố kiến nghị các bộ, ngành hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm không khí. Đặc biệt, các bộ, ngành cần đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khí thải với các loại phương tiện theo quy chuẩn quốc tế.
Khi triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chắc chắn chất lượng không khí ở Hà Nội sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
- Một vấn đề khác không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng không khí, đó là những sự cố môi trường. Đây là điều không ai mong muốn nhưng có thể xảy ra. Vậy, Hà Nội làm gì để xử lý khẩn cấp các sự cố, thưa ông?
- Hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường có thể xảy ra. Các đơn vị, địa phương thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”. Trong đó, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả ứng phó và thống nhất chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia.
Đối với sự cố liên quan đến không khí, UBND thành phố quy định rõ vai trò, trách nhiệm của địa phương có liên quan để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra, giảm thiểu phát tán ra môi trường.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.