Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm thiểu cháy, nổ tại nhà ở hộ gia đình: Quan trọng là ý thức tự phòng cháy

Mai Hữu| 16/10/2018 06:11

(HNM) - Chiếm hơn 50% số vụ cháy xảy ra trong thời gian qua, loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh đang là điểm

Vụ cháy do bất cẩn khi đốt vàng mã tại phố Hào Nam (quận Đống Đa) ngày 9-10 vừa qua.


Xảy ra hơn 320 vụ cháy

Thống kê 9 tháng năm 2018 của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội) cho thấy, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 638 vụ cháy, trong đó có hơn 320 vụ cháy xảy ra tại loại hình nhà dân.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy là do sự cố thiết bị điện (chiếm hơn 61%), mà điển hình là vụ chập điện gây cháy hàng loạt ngôi nhà ở đường Đê La Thành (gần Bệnh viện Nhi trung ương, quận Ba Đình) khiến 2 người tử vong. Ngoài ra, sơ suất khi sử dụng lửa là nguyên nhân thứ hai gây cháy, chiếm 15% vụ cháy. Có thể kể đến hai vụ cháy xảy ra vào ngày 9-10 đó là: Vụ cháy ngôi nhà 5 tầng ở phố Núi Trúc (quận Ba Đình), do chủ nhà thắp hương bất cẩn để tàn hương bay vào các vật dụng gây cháy; vụ cháy ở tầng tum của một quán karaoke đã ngừng hoạt động tại phố Hào Nam (quận Đống Đa) do chủ nhà đốt vàng mã.

Phân tích về nguyên nhân các vụ cháy thời gian gần đây, Đại úy Đặng Minh Tuấn, Đội trưởng Đội công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) cho rằng, chỉ một việc tưởng chừng rất đơn giản như, sau khi thắp hương, nến, đốt vàng mã không giám sát; sử dụng thiết bị điện quá tải, hết niên hạn sử dụng không được bảo trì, bảo dưỡng... cũng có thể gây cháy.

Theo Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, việc nhà ở gia đình kết hợp kinh doanh cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy khi trong nhà chất chứa nhiều hàng hóa là vật liệu dễ cháy, để hàng hóa chắn lối thoát hiểm... Đáng nói, người dân cũng chưa chú trọng xây dựng phương án thoát hiểm khi có sự cố xảy ra, dẫn đến những hậu quả đau lòng. Đơn cử như vụ cháy ngày 14-10 tại xưởng sản xuất bàn ghế sofa trong ngôi nhà 4 tầng, nằm ở khu biệt thự liền kề BT4-1, Khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm). Ngọn lửa xuất phát từ tầng 1 đã bén vào các vật liệu, hóa chất dễ cháy, nhanh chóng bùng phát mạnh, bao trùm toàn bộ ngôi nhà, khiến một người tử vong.

Giảm thiểu thiệt hại do “bà hỏa” gây ra

Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho biết, thời gian tới lực lượng phòng cháy, chữa cháy sẽ tổ chức đánh giá việc thực hiện Kế hoạch số 128/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về việc tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố. Trong đó, sẽ chú trọng trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Lực lượng chức năng đang dập lửa tại vụ cháy nhà dân trên đường Đê La Thành tối 17-9. Ảnh: Phi Hùng.


Từ góc độ công tác của mình, Trung tá Phạm Trung Hiếu cho rằng, việc người dân tự nâng cao ý thức, chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu thiệt hại do “bà hỏa” gây ra. Vì vậy, lực lượng phòng cháy, chữa cháy sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức đến tận khu dân cư, từng hộ gia đình để người dân có thể tiếp cận tại chỗ, với những tình huống thực tế trong đời sống hằng ngày.

Trung tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cảnh báo, thời tiết hanh khô khiến tình hình cháy, nổ có những diễn biến phức tạp. Đồng thời, do gần vào dịp cuối năm, nhiều hộ dự trữ, tập kết vật tư, hàng hóa cùng với nhu cầu sử dụng điện, xăng, dầu, khí đốt... tăng cao cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.

Do đó, để phòng ngừa có hiệu quả, giảm thiểu đến mức tối đa sự cố cháy, nổ, các hộ gia đình cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, tuyệt đối không tàng trữ các loại hóa chất, xăng dầu, khí hóa lỏng... dễ gây cháy, nổ. Đặc biệt, người dân cần hết sức thận trọng trong việc đun nấu, thắp hương, thờ cúng, đốt vàng mã và sử dụng các thiết bị điện... Làm tốt công tác phòng ngừa đi đôi với chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy ban đầu, xây dựng phương án thoát nạn, sẽ giúp bảo đảm an toàn về người và tài sản; giảm thiểu thiệt hại nếu sự cố cháy, nổ xảy ra.

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, ngày 14-10, tại xưởng sản xuất bàn ghế sofa thuộc ngôi nhà 4 tầng, nằm ở khu biệt thự liền kề BT4-1, Khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) xảy ra cháy, khiến 1 người tử vong và 4 người bị thương. Ngày 15-10, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và quyết định trích từ Quỹ “Cứu trợ” TP Hà Nội 30 triệu đồng để hỗ trợ các nạn nhân. Theo đó, thành phố hỗ trợ 10 triệu đồng cho gia đình nạn nhân bị tử vong; 5 triệu đồng/người bị thương. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Nam Từ Liêm kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiểu cháy, nổ tại nhà ở hộ gia đình: Quan trọng là ý thức tự phòng cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.