Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch

Phương Quỳnh| 01/12/2019 07:58

(HNM) - Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) vừa công bố kế hoạch ngừng tài trợ cho hầu hết các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch vào cuối năm 2021. Quyết định này là một phần của định hướng chung về chính sách của EIB đối với môi trường nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ khí đốt tự nhiên trong tiêu thụ năng lượng xuống mức 20% vào năm 2030 và 7-9% vào năm 2050.

Các chuyên gia về môi trường cho rằng, tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang đặt ra yêu cầu thay đổi sâu sắc trong việc sử dụng năng lượng nhằm giảm lượng khí thải nhà kính và đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Sự thay đổi này dựa trên hai yếu tố: Giảm tiêu thụ năng lượng và khử carbon cho năng lượng tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu thứ hai, điện năng chính là "đồng minh" tốt nhất của các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. Vì thế, trong những năm gần đây, ý tưởng điện khí hóa đã được ủng hộ mạnh mẽ trong ngành năng lượng châu Âu.

Các chuyên gia khẳng định điện là nguồn năng lượng của tương lai. Nếu được sản xuất bằng năng lượng tái tạo mà không phát ra khí thải nhà kính, sử dụng điện sẽ hiệu quả hơn nhiên liệu hóa thạch và mang lại lợi nhuận kinh tế. Ngoài bảo vệ môi trường do được sản xuất bằng các nguồn nhiên liệu xanh, điện còn có ưu điểm đặc biệt vì tính hiệu quả cao gấp từ 3 đến 5 lần so với công nghệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Một "điểm cộng" khác là điện có thể được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế như công nghiệp, sưởi ấm, điều hòa không khí, giao thông, chiếu sáng... Điện cũng được dùng trong sản xuất hydro "xanh", nhiên liệu tương lai cho ngành vận tải, công nghiệp nặng và có thể là hàng không.

Đứng trước những nguy cơ về khí thải carbon, bộ máy lãnh đạo mới của Ủy ban châu Âu (EC) đã cam kết đưa bảo vệ môi trường thành một "mệnh lệnh kinh tế lâu dài". Chủ tịch EC Ursula von der Leyen còn mong muốn châu Âu trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Theo Chủ tịch EC, việc dừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả khí đốt, cũng là một cách thể hiện sự ủng hộ của EIB với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, trong chiến lược mới của EIB, đến năm 2025, một nửa số tiền đầu tư sẽ liên quan đến môi trường. Dự kiến trong thập niên tới, EIB sẽ chi không dưới 1 tỷ euro cho các hành động vì khí hậu và phát triển bền vững.

EC cũng đang thúc đẩy dự án “Gói năng lượng tham vọng” với cam kết hỗ trợ phù hợp cho các khu vực vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành khai thác than. Trên thực tế, EC đã triển khai một số quỹ dành cho mục tiêu này như Quỹ điều chỉnh toàn cầu hóa châu Âu (EGF) trợ giúp những người bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu với ngân sách hằng năm là 150 triệu euro. Quỹ Xã hội châu Âu (ESF) cũng sẽ dành ít nhất 1,1 tỷ euro cho việc cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo cho các khu vực cần phải thích nghi với việc chuyển đổi kỹ năng và tạo việc làm mới trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.