Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm rủi ro thiên tai từ cấp cơ sở

Kim Nhuệ| 22/07/2020 06:21

(HNM) - Việc giảm rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra phụ thuộc rất lớn vào hành động của chính quyền cấp cơ sở, nhưng đây lại là điểm hạn chế tại nhiều địa phương. Chủ động khắc phục tồn tại này là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2020 của Thủ đô.

Huyện Ứng Hòa diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 tại xã Sơn Công.

Còn nhiều bất cập

Đánh giá về công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các xã, thị trấn trên địa bàn trong năm 2020, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng cho biết, đến thời điểm này, 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2020. Tuy nhiên, một số địa phương còn tư tưởng chủ quan như: Xây dựng phương án chưa cụ thể, chưa sát thực tế, nhất là ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ rừng ngang, sạt lở đất. Có địa phương chưa ký hợp đồng cụ thể với các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng phục vụ người dân khi xảy ra sự cố, thiên tai.

Các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất... cũng tồn tại tình trạng nêu trên. Đặc biệt, tại các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, một số người dân vẫn lấn chiếm lòng kênh, mương để trồng cây, thả bèo, xả rác thải..., trong khi chính quyền địa phương chưa đưa vào kế hoạch giải tỏa để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai...

Chia sẻ về một khó khăn khác, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà thông tin, trên địa bàn quận có một số chung cư cũ nguy hiểm. Để bảo đảm an toàn cho các hộ dân trong mùa mưa bão, quận đã xây dựng phương án và bố trí nhà tạm cư. Tuy nhiên, để cưỡng chế các hộ dân ra khỏi nhà nguy hiểm thì quận lại không có thẩm quyền. Đây cũng là thực trạng chung tại các quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Cùng với đó, nhiều quận có cây cổ thụ trong khu dân cư, di tích nhưng chưa được trang bị phương tiện chuyên dụng để cắt tỉa.

Theo Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Trần Thanh Mẫn, nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhiều năm nay, Hà Nội không xảy ra thiên tai lớn nên một số địa phương có tư tưởng chủ quan trong công tác xây dựng kế hoạch, phương án, giải tỏa vi phạm công trình phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, một số quy định chưa cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong quản lý, xử lý vi phạm đê điều, phòng chống thiên tai...

Tập trung khắc phục

Khắc phục những tồn tại nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho hay, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai; giao Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của huyện kiểm tra công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện trên toàn địa bàn huyện.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn ngay trong tháng 7 này phải hoàn thành công tác xử lý vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi. Trong đó, kiên quyết xử lý, giải tỏa các vi phạm ảnh hưởng trực tiếp hệ thống phòng chống lũ, dòng chảy tiêu thoát nước; đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, bổ sung đủ vật tư, phương tiện, nhân lực bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai…

Ở thời điểm hiện tại, các quận nội thành cũng đã chỉ đạo các phường hoàn thành phương án ứng phó sự cố sập đổ công trình, phòng chống cây xanh gãy đổ và chống úng ngập. Bên cạnh đó, tăng cường đôn đốc, giám sát các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong việc chuẩn bị nhân lực, vật tư, xây dựng phương án phòng, chống sát thực với từng loại hình thiên tai có khả năng xảy ra.

Về công tác phòng, chống thiên tai năm 2020, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Mai (quận Hà Đông) Nguyễn Văn Hoàn cho biết, 12 tổ dân phố trên địa bàn phường đã chuẩn bị 3.350m3 đất, 2.030 bao tải chứa đất... phục vụ công tác hộ đê. Các hộ dân cũng đã được tuyên truyền và chuẩn bị phương án dự trữ lương thực, thực phẩm đủ phục vụ cho gia đình trong khoảng 7-10 ngày trong tình huống bị lũ lụt chia cắt... Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Bùi Quang Linh, người dân phường Đồng Mai chia sẻ: “Bước vào mùa mưa bão, gia đình tôi đã chủ động chằng chống nhà cửa, có kế hoạch dự trữ lương thực, thuốc men, nhiên liệu thắp sáng... để đề phòng sự cố có thể xảy ra. Gia đình tôi cũng chuẩn bị 5 cây tre, 10 bao tải và đuốc thắp sáng, góp sức cùng phường thực hiện nhiệm vụ hộ đê khi cần thiết”.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, với việc khắc phục kịp thời những hạn chế, tồn tại trong công tác chuẩn bị phương án phòng ngừa, ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, thành phố Hà Nội sẽ chủ động phòng tránh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại của thiên tai ngay từ cấp cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm rủi ro thiên tai từ cấp cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.