(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, để giảm ô nhiễm bụi ở Hà Nội, cần nâng cao ý thức và sự chung tay của cả cộng đồng.
Phụ nữ phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) vệ sinh môi trường vào thứ 7 hằng tuần. |
- Xin ông cho biết ô nhiễm bụi trên địa bàn thành phố thời gian gần đây?
- Chất lượng không khí được đánh giá dựa trên thông số đo các chất ô nhiễm có trong không khí như: CO, SO2, NO2, O3; các hạt bụi lơ lửng như PM10, PM2.5... Theo kết quả quan trắc từ đầu năm 2019 đến nay, chất lượng không khí có xu hướng kém hơn. Điển hình vào các ngày từ 20 đến 28-1, trên địa bàn thành phố Hà Nội nhiều nơi ở mức kém và xấu.
Đặc biệt, theo ghi nhận, trong thời gian này, nồng độ bụi PM10 dao động trong khoảng từ 24,94 đến 386,06 mg/m3; nồng độ bụi PM2.5 dao động trong khoảng từ 10,83 đến 222,28 mg/m3, cao hơn nhiều lần so với giới hạn cho phép theo chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2013/ BTNMT về chất lượng không khí xung quanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
- Ô nhiễm bụi, nhất là bụi PM2.5 có ảnh hưởng tới sức khỏe con người không, thưa ông?
- PM 2.5 (còn gọi là bụi mịn) là bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet. Đây là dải kích thước bụi có thể đi được vào phổi, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây nên tình trạng kích ứng đường hô hấp, khó thở, đặc biệt là với những người đã có bệnh lý hô hấp, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Vào những ngày chỉ số chất lượng không khí xấu, kém nên hạn chế thời gian ở bên ngoài, đặc biệt nhóm nhạy cảm bao gồm trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp tránh ra ngoài để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm bụi?
- Nồng độ bụi trong không khí gia tăng chủ yếu do các hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng, dân sinh… Cụ thể, bụi sinh ra do các khí thải từ phương tiện xe cơ giới như ô tô, xe máy; các nhà máy sản xuất đốt nhiên liệu; hoạt động xây dựng giao thông, đô thị lớn...
Theo tính toán, nồng độ bụi tăng cao chỉ có tính tức thời, tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm vào buổi sáng hằng ngày từ 7h đến 8h và chiều từ 18h đến 19h, giảm xuống thấp nhất là vào giữa trưa từ 13h đến 14h và ban đêm từ 23h đến 1h ngày hôm sau. Ô nhiễm bụi thường tập trung ở một số khu vực, đặc biệt ở những trục đường giao thông lớn như: Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), Phạm Văn Đồng; các khu vực dân cư, chất lượng không khí duy trì ở mức trung bình.
Vào mùa đông, ô nhiễm bụi thường tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật, vào tháng 12 và tháng 1 hằng năm, thời tiết hanh khô, độ ẩm trong không khí thấp, đặc biệt là thời điểm trước những đợt có không khí lạnh tràn về.
- Vậy thành phố có giải pháp gì để cải thiện chất lượng không khí, giảm ô nhiễm bụi, thưa ông?
- Để có thể đánh giá toàn diện chất lượng không khí của thành phố Hà Nội, cũng như đưa ra các dự báo và cảnh báo nhanh nhất về tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi, thành phố Hà Nội đang chuẩn bị lắp đặt thêm mạng lưới trạm quan trắc không khí tại nhiều khu vực khác nhau để có thể phản ánh chính xác chất lượng không khí, ô nhiễm bụi.
Theo tôi, để giảm ô nhiễm bụi cần sự vào cuộc từ nhiều phía. Hiện nay, thành phố đã và đang tích cực triển khai một loạt các chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng không khí như: Hoàn thành việc trồng 1 triệu cây xanh; giảm việc đốt rơm rạ, than tổ ong; hạn chế việc lạm dụng, đốt quá nhiều vàng mã…
Bản thân mỗi người dân cũng góp phần quan trọng vào giảm ô nhiễm bụi tại Hà Nội khi tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch của thành phố, sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, xe điện và hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông, tăng cường sử dụng các nhiên liệu sạch...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.