(HNM) - Sau trận mưa lớn đầu mùa diễn ra giữa tháng 4-2021, nhiều diện tích lúa xuân của thành phố Hà Nội đã ngập sâu trong nước, cho thấy nhiều bất cập trong công tác phòng chống úng ngập khu vực ngoại thành. Vận hành công trình thủy lợi linh hoạt, chủ động để giảm nỗi lo ngập úng khu vực ngoại thành là nhiệm vụ quan trọng của ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng như các địa phương của thành phố.
Hơn 60% công trình thủy lợi xuống cấp
Trạm bơm tiêu Cấn Hạ và Trại Ro với 11 tổ máy, tổng lưu lượng 65.700m3/giờ. Hai trạm bơm này có nhiệm vụ tiêu úng cho 1.525ha diện tích sản xuất nông nghiệp của các xã, thị trấn: Quốc Oai, Cấn Hữu, Đồng Quang, Thạch Thán, Ngọc Mỹ, Nghĩa Hương của huyện Quốc Oai. Thế nhưng, trong trận mưa xảy ra ngày 17 và 18-4-2021, hai trạm bơm này chỉ vận hành được 2 tổ máy với tổng lưu lượng 16.800m3/giờ, khiến hơn 800ha lúa xuân ở khu vực này bị ngập sâu. “Rất may là trận mưa này không kéo dài, lực lượng chức năng vào cuộc kịp thời nên đã cứu được toàn bộ diện tích lúa bị ngập”, bà Nguyễn Thị Hiền, người dân xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) nói.
Về vụ việc trên, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Quốc Oai Nguyễn Lương Thiện cho biết, trận mưa ngày 17 và 18-4 đạt lưu lượng 185mm. Do là vùng trũng nhất huyện Quốc Oai nên lượng nước dồn về khu vực Trạm bơm tiêu Cấn Hạ và Trại Ro rất lớn. Để bảo vệ diện tích lúa xuân, đơn vị đã vận hành trạm bơm tiêu đưa nước trong đồng ra sông Tích qua kênh tiêu Trại Ro và Cấn Hạ. Tuy nhiên, do cao trình tuyến kênh không bảo đảm (thấp hơn khoảng 1,2m so với năng lực của trạm bơm), lòng dẫn kênh bị bồi lắng nên xuất hiện nhiều vị trí tràn bờ, nước chảy ngược vào đồng. Xí nghiệp Thủy lợi Quốc Oai đã phối hợp với địa phương tôn cao nhiều vị trí kênh nhưng cũng chỉ đáp ứng yêu cầu vận hành 2 tổ máy, dẫn tới thời gian tiêu úng kéo dài.
Tương tự, tại các địa phương vùng trũng thấp, thường xuyên xảy ra úng ngập, như các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên..., nhiều công trình tiêu úng cũng trong tình trạng không khai thác được tối đa công suất thiết kế. Đơn cử như Trạm bơm Khai Thái, xây dựng từ năm 1996 với 3 tổ máy, công suất 25.000m3/giờ/máy, làm nhiệm vụ tiêu úng cho 4.200ha diện tích đất nông nghiệp của huyện Phú Xuyên. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Ngô Thanh Sơn, nhiều thời điểm trạm bơm này không thể vận hành liên tục do kênh dẫn bị bồi lắng, lưu lượng nước về bể hút quá nhỏ so với năng lực của trạm bơm.
Đánh giá về hiện trạng công trình tiêu úng trên địa bàn thành phố, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải thông tin, hơn 60% công trình thủy lợi của Hà Nội được xây dựng cách đây khoảng 30-40 năm hiện đã xuống cấp nên chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu úng với lượng mưa dưới 200mm/3 ngày. Ngoài hạn chế về năng lực công trình, các sông: Nhuệ, Tích, Bùi, Đáy... là trục tiêu chính nhưng đang bị bồi lắng, thu hẹp, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát dòng chảy.
Vận hành linh hoạt, chủ động công trình tiêu úng
Từng bước khắc phục bất cập nêu trên, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, các địa phương khu vực ngoại thành Hà Nội đã, đang xây dựng phương án chống úng ngập; tập trung phân loại, triển khai kế hoạch sửa chữa công trình thủy lợi hư hỏng, nạo vét kênh mương và xử lý, kiên quyết xử lý công trình vi phạm cản trở dòng chảy... Thông tin về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, từ nay đến tháng 6-2021, huyện Mỹ Đức sẽ tập trung xử lý 54 trường hợp xây dựng công trình gây cản trở dòng chảy tiêu úng thuộc địa bàn các xã ven sông Đáy, Mỹ Hà và hồ Quan Sơn.
Trong khi đó, tại Quốc Oai, các xã trên địa bàn huyện đã phối hợp với Xí nghiệp Thủy lợi Quốc Oai xây dựng phương án phòng, chống úng ngập, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực để sẵn sàng lắp đặt trạm bơm dã chiến, khoanh vùng, tôn cao bờ bao chống úng cho khu vực sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Trao đổi thêm về công tác này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, huyện Quốc Oai đã kiến nghị các sở, ngành của thành phố kiểm tra, báo cáo đề xuất UBND thành phố đầu tư kinh phí để kiên cố hóa, nâng cao trình 2 tuyến kênh tiêu Trạm bơm Trại Ro và Cấn Hạ; đồng thời chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm bơm tiêu Cống Mẻn...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, thành phố đã và đang đầu tư nhiều công trình tiêu úng, như: Trạm bơm An Mỹ (huyện Mỹ Đức), Trạm bơm Đông Sơn (huyện Chương Mỹ), Trạm bơm Yên Sơn (huyện Quốc Oai), Trạm bơm Phù Đổng (huyện Gia Lâm)... Trong giai đoạn đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi khẩn trương khắc phục bất cập, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, mực nước trên các triền sông để vận hành linh hoạt, chủ động các công trình tiêu úng. Giai đoạn cao điểm của mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 8-2021, các doanh nghiệp thủy lợi tuyệt đối không trữ nước trong hệ thống kênh tiêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.