Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm lãi suất -Việc chớ chùng chình

Vũ Duy Thông| 29/02/2012 06:33

(HNM) - Khi lạm phát có xu hướng giảm dần và hàng nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc đứng trước bờ vực phá sản do không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng vì lãi suất tiền vay quá cao và thủ tục nhiêu khê, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ mức dự trữ bắt buộc bằng VND xuống bằng 1/5 mức thông thường...


Lãi suất hạ là một tin vui không chỉ với doanh nghiệp mà cả với một số ngân hàng có dư nợ tiền gửi lớn vì lưu thông vốn sẽ thông thoáng hơn, doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận với nguồn vốn hơn. Thay vì phải vay với lãi suất 20%, thậm chí 24% (không cách gì sản xuất, kinh doanh có lãi được với khoản vay này) các doanh nghiệp có thể lãi chút ít với trần lãi suất mới và nếu có hòa vốn chăng thì cũng vẫn duy trì được công ăn việc làm cho hàng triệu người, giữ hoạt động doanh nghiệp ở mức bình thường. Như vậy, hạ lãi suất là một chủ trương lành mạnh, đúng hướng, có ích ở tầm vĩ mô.

Nhưng hạ lãi suất cho vay cũng gây khó khăn cho nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng có dự trữ thanh khoản không lớn. Chính vì thế, nhiều ngân hàng vừa và nhỏ có vẻ không hào hứng, chỉ hạ lãi suất cả tiền gửi và tiền vay ở mức nhỏ giọt, có nơi chùng chình, chờ khi nào bị đụng đến hãy hay. Các ngân hàng trong diện phải hạ lãi suất thì tìm cách mở rộng các diện không ưu tiên về lãi suất, gây khó khăn về thủ tục để gạt hàng nghìn doanh nghiệp ra ngoài diện ưu tiên, gây nên cảnh "mỡ treo mèo nhịn", chỉ các doanh nghiệp lớn mới vay được tiền, vừa giảm được chi phí hành chính vừa bảo đảm được lãi ra tấm ra món. Cũng có ngân hàng tranh thủ dịp này hạ lãi suất tiền vay xuống dưới mặt bằng trung bình để vừa có thành tích, vừa giữ được thị phần truyền thống, không để người khác chen vào...

Những khó khăn của một số nhà băng có căn nguyên từ việc hạ lãi suất là có thật, nhưng giảm thu nhập đâu chỉ do hạ lãi suất? Ai cũng biết tiền lương và thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên ngân hàng rất cao, cấp trưởng phòng có thể lên đến 40 triệu, 50 triệu đồng/tháng, cứ như thế mà suy ngược lên, xuôi xuống, trong khi chưa cần một cố gắng nào trong giảm chi nội bộ. Mới đây, thực hiện chủ trương tiết kiệm, nhiều tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tổng Công ty Xăng dầu… đều ký cam kết tiết kiệm mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng từ việc cắt giảm các chi phí nội bộ và chi phí sản xuất, kinh doanh. Thiết nghĩ không nên chùng chình trong việc cắt giảm lãi suất nữa, hãy cắt giảm chính những tiêu pha tốn kém không cần thiết của mình theo gương một số doanh nghiệp. Nếu được như thế thì như lời một chủ tịch HĐQT một ngân hàng thương mại lớn khi trả lời báo chí, vẫn có thể hạ lãi suất tiền gửi xuống còn 10% và lãi suất cho vay xuống còn 13% đến 14% trong khi mức thu nhập của người nhà băng vẫn giữ được như cũ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giảm lãi suất -Việc chớ chùng chình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.