Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm lãi suất để khơi thông nguồn vốn

Đức Anh| 28/06/2014 07:02

(HNM) - Hơn 6 tháng đã qua, nhưng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vẫn ì ạch do nguồn vốn cho vay bị nghẽn.

Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đang ở mức thấp, nhưng DN vẫn dè dặt vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ảnh: Linh Ngọc


Dẫn đầu làn sóng giảm lãi suất là hai đại gia của hệ thống ngân hàng: Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank), với mức giảm 0,1 - 0,5%/năm. Đặc biệt, các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng đều đã được kéo xuống dưới mức trần mà NHNN quy định là 6%/năm. Ngay cả các kỳ hạn dài cũng không còn "được giá" như trước, đều đã điều chỉnh xuống mức khá thấp. Không đứng ngoài cuộc, các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ hơn cũng có nhiều động thái giảm lãi suất huy động. Mức lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng: 5,5 - 6%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng: 6 - 7,5%/năm; trên 12 tháng: 7,5 - 8,3%/năm.

Với việc giảm hàng loạt lãi suất với các kỳ hạn huy động, lãi suất cho vay cũng đã lùi xuống mức hấp dẫn hơn. Theo thống kê từ NHNN, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao là khoảng 7 - 8%/năm; các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường là 9 - 10%/năm (ngắn hạn), 10,5 - 12%/năm (trung và dài hạn). Một số ngân hàng còn áp dụng lãi suất cho vay 6 - 7%/năm đối với một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Nhiều chương trình cho vay ưu đãi cũng được triển khai, với việc hỗ trợ lãi suất cho các DN cũng như cá nhân vay vốn. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), từ nay đến hết ngày 30-9 có chương trình cho vay ưu đãi với mức tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay xuất, nhập khẩu, lãi suất từ 6 - 8%/năm. Ngân hàng VietinBank triển khai chương trình tín dụng trị giá 3.000 tỷ đồng dành cho khách hàng vay phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, thu mua, chế biến nông sản với lãi suất từ 7%/năm từ nay đến ngày 31-10. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đưa ra chương trình vay lãi suất 4,9%/năm dành cho khách hàng khi vay mua nhà, xây sửa nhà, vay mua ô tô, vay tiêu dùng và vay kinh doanh...

Một trong những lĩnh vực mà các ngân hàng đang muốn gỡ nút thắt để giải phóng nguồn vốn tín dụng là bất động sản. Mới đây, một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu và triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà, trong đó ngân hàng làm trung gian giữa các bên: Chủ đầu tư, nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu xây dựng. Ngân hàng Đầu tư - Phát triển (BIDV) cùng các ngân hàng Agribank, VietinBank, Vietcombank, LienViet PostBank... tiên phong triển khai thí điểm sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường, giảm nợ xấu.

Theo các chuyên gia, nguồn cung tiền đồng dồi dào khiến cho lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ giá vẫn còn cao như hiện tại, lãi suất khó có thể giảm thêm, do các ngân hàng đã không còn bán USD cho NHNN, hơn nữa, hiện lãi suất tiền đồng quá rẻ so với đầu năm. Thêm vào đó, việc lãi suất giảm mạnh thời điểm này sẽ có thể là con dao hai lưỡi vì có thể tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư, khiến họ mất lòng tin vào nội tệ, cũng như tác động đến tỷ giá. Lãi suất đấu thầu trái phiếu tăng cùng với khối lượng trúng thầu giảm cho thấy tâm lý dự trữ tiền đồng nhằm bảo đảm an toàn của các ngân hàng đang tăng trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm lãi suất để khơi thông nguồn vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.