Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm khai thác nước ngầm chống sụt lún

Gia Bảo| 12/09/2022 07:26

(HNM) - Trung bình mỗi năm, thành phố Hồ Chí Minh bị sụt lún từ 2cm đến 6cm. Lũy kế từ năm 1990 đến nay, thành phố bị sụt lún khoảng 1m. Trước thực trạng đáng lo ngại trên, các cấp, ngành của thành phố đã đưa ra một loạt biện pháp chống lún, đặc biệt là giảm khai thác nước ngầm.

Lún nền đất tại hẻm 67, đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) gây nguy hiểm cho người dân.

Ghi nhận tại hẻm 67, đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh), sau vài năm, chân bức tường xung quanh của một tòa nhà cao tầng đã bị “hở hàm ếch” đến 30cm do đất lún. “Từ khi đường Nguyễn Hữu Cảnh được nâng cấp thì con hẻm này thường xuyên bị ngập nước khi mưa xuống, triều lên, khiến cho nền đất bị sụt lún nhanh”, ông Cao Xuân Việt, hộ dân sống trong con hẻm 67 chia sẻ.

Tình trạng lún nền đất xảy ra nghiêm trọng hơn tại phường An Lạc (quận Bình Tân). Vài năm trở lại đây, nhà cửa nhiều hộ dân trên địa bàn phường ngập sâu trong nước, bị nứt tường và xuống cấp nhanh do sụt lún. Thậm chí, nhiều hộ dân phải di chuyển đi khu vực khác sinh sống do nhà cửa không thể sử dụng được.

Mới đây, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đưa ra kết quả khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng trong thời gian dài. Cụ thể, có 10 địa phương tại thành phố Hồ Chí Minh có mức độ sụt lún đáng kể, gồm các quận 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân, cùng với quận 2 và Thủ Đức cũ (nay là thành phố Thủ Đức). Nền đất của thành phố sụt lún trung bình mỗi năm 2cm, thậm chí có nơi đến 6cm. Riêng khu vực tập trung như các công trình cao tầng, tốc độ lún khoảng 7-8cm mỗi năm. Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng 2 lần tốc độ mực nước biển dâng (khoảng 1cm mỗi năm). Cá biệt, một số khu vực, trong vòng 12 năm (từ năm 2005 đến 2017) sụt lún đến 23cm, thậm chí tại phường An Lạc (quận Bình Tân) lún đến 81cm.

Báo cáo của JICA chỉ ra 4 nguyên nhân gây sụt lún nền ở thành phố Hồ Chí Minh, gồm: Độ cố kết tự nhiên do nền đất yếu; tác động của tải trọng công trình xây dựng; khai thác nước ngầm quá mức và không đủ lượng phù sa từ thượng nguồn. Góp ý về giải pháp, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thành phố cần hạn chế và tiến tới cấm khai thác nước ngầm. Mặt khác, cần giảm mật độ xây dựng, nhất là các tòa nhà cao tầng và tăng diện tích mảng xanh đô thị.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có gần 342.700 giếng nước ngầm. Hầu hết các giếng nước ngầm nằm ở các khu vực đô thị có tình trạng sụt lún nghiêm trọng như các quận 6, 8, 11, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân. Dù thành phố đã cấp nước sạch cho 100% người dân nhưng tình trạng khai thác, sử dụng nước ngầm vẫn có dấu hiệu tăng. Theo đó, lượng nước ngầm được khai thác hiện khoảng 600.000m3/ngày, trong đó khoảng 77% lượng nước được khai thác để sử dụng cho sinh hoạt và các cơ sở thương mại.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Sở đang chủ trì triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, thành phố giảm khai thác nước dưới đất còn 100.000m3/ngày-đêm; đồng thời, thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật. Để thực hiện được mục tiêu trên, Sở đã đề nghị UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện lập kế hoạch giảm khai thác nước ngầm với chỉ tiêu 32% với đối tượng là hộ dân, doanh nghiệp có lượng khai thác dưới 20m3/ngày do các địa phương quản lý. Đồng thời, tuyên truyền sử dụng nước sạch thay cho nước giếng đến người dân.   

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco Bùi Thanh Giang cho hay, đến năm 2025, Sawaco cam kết mức khai thác nước ngầm giảm còn 30.000m3/ngày. Để thực hiện mục tiêu này, ngành nước sẽ tiếp nhận và đưa vào sử dụng nguồn nước mới từ Nhà máy nước Thủ Đức 3 và Nhà máy nước Tân Hiệp 2, với tổng công suất 600.000m3/ngày.

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp JICA xây dựng đề án ứng phó sụt lún nền dựa trên kinh nghiệm của thành phố Jakarta (Indonesia) và Tokyo (Nhật Bản) trong quý IV-2022. Dự án sẽ nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và các kịch bản của chính quyền địa phương, thiết lập kế hoạch ứng phó sụt lún cho thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm khai thác nước ngầm chống sụt lún

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.