Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm giá cước vận tải: Phải giám sát lời hứa của doanh nghiệp

Hương Ly| 12/02/2015 06:30

(HNM) - Sau khi giá xăng giảm tới 38,9% và giá dầu giảm 31%, sự



Nhưng sau khi các đoàn thanh tra của liên bộ Tài chính, Giao thông vận tải và các địa phương vào cuộc, giá cước đã rục rịch giảm. Tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện quy định về quản lý giá cước vận tải do Bộ Tài chính tổ chức chiều 11-2 tại Hà Nội, nhiều câu hỏi liên quan đến câu chuyện giảm giá cước như: Xăng, dầu chiếm bao nhiêu phần trăm trong cơ cấu giá cước vận tải? Các DN giảm giá đã phù hợp với diễn biến giá xăng dầu hay không và những DN không giảm cước sẽ bị xử lý ra sao đã được đại diện các ngành chức năng làm rõ.

Việc các doanh nghiệp vận tải chậm giảm giá cước, hoặc giảm không tương xứng gây bức xúc. Ảnh: Khánh Nguyên


Tách bạch chi phí nhiên liệu

Việc giảm giá liên tiếp của mặt hàng xăng, dầu kéo dài từ tháng 11-2014 đến nay đã tạo thuận lợi cho nhiều ngành sản xuất kinh doanh, trong đó có lĩnh vực vận tải để các DN có thêm cơ hội điều chỉnh giảm giá để thu hút khách hàng. Thế nhưng, trái với mong đợi của người tiêu dùng, giá cước vận tải không giảm, hoặc giảm không tương xứng với diễn biến của giá xăng dầu. Thế nhưng, khi có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, giá cước vận tải đã có sự điều chỉnh. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, sau khi bộ này thành lập 3 đoàn công tác liên ngành vào tháng 11-2014 nhằm đánh giá tác động giá xăng dầu đến giá cước vận tải tại một số địa phương, nhiều DN đã rục rịch giảm giá. Kết quả kiểm tra cho thấy: Tính đến hết tháng 12-2014, cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 0,92% đến 26,32%, phổ biến giảm từ 3% đến 10%, giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 3% đến 21,7%, phổ biến giảm từ 5% đến 10%. Ngay sau đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải tại 4 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ.

Trong tháng 1-2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn kiểm tra bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán, trong đó có chuyên đề về kê khai giá cước, giảm giá cước vận tải tại 15 tỉnh, thành phố. Một trong những điểm nổi bật của đợt thanh tra này là đã tách bạch được chi phí xăng, dầu trong cơ cấu giá cước vận tải. Theo tính toán của Bộ Tài chính, từ ngày 18-7-2014 đến ngày 21-1-2015, giá xăng đã giảm 38,9%, giá dầu giảm 33,1%. Trong cơ cấu giá cước vận tải đối với xăng chiếm từ 25% đến 35% giá thành (chủ yếu là taxi), còn dầu chiếm khoảng 35-40% (chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa). Ngoài ra, DN còn phải chi phí khấu hao, nhân công… Bộ Tài chính cũng chỉ rõ một số DN cần tiếp tục giảm tiếp giá cước vận tải sau khi kết quả kiểm tra được công khai trước dư luận.

Không dễ gian dối trong kê khai giá cước

Đó là khẳng định của ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế sau khi thực hiện kiểm tra việc kê khai giá cước vận tải dịp giáp Tết Nguyên đán. Qua kiểm tra 26 đơn vị taxi và 14 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định tại 3 miền Bắc, Trung, Nam trong đó có Thủ đô Hà Nội đã chỉ ra nhiều DN giảm giá chưa phù hợp với giá nhiên liệu. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện tình trạng DN chây ì, không giảm cước. Ông Phi Vân Tuấn cho biết, việc kê khai gian dối với giá cước vận tải không dễ, bởi khi DN đăng ký giá cước, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trước khi áp dụng trên thực tế.

Làm rõ hơn về việc phát hiện tình trạng DN "chạy" kê khai, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, có tình trạng công tác kiểm soát kê khai giá tại một số tỉnh diễn ra khá chặt chẽ, trong khi một số tỉnh khác lại dễ dàng chấp nhận bản kê của DN, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số đơn vị vận tải "chạy" từ tỉnh "khó" sang tỉnh "dễ" để kê khai và đã có những chấn chỉnh kịp thời thông qua việc rà soát ngay từ đầu tuyến để giám sát.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cũng cho biết, việc "khai một đằng, bán một nẻo" với giá cước vận tải là một thực tế. Bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra, bản thân người dân cũng có thể tham gia giám sát vi phạm về giá cước. Hiện Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo giao thông trong dịp Tết Nguyên đán. Khi phát hiện vi phạm về giá cước, hành khách có thể gọi ngay đường dây nóng của DN, của Bộ GTVT hay của Ban Chỉ đạo để lực lượng thanh tra xử lý nhanh vi phạm.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra giá cước của Bộ Tài chính, vẫn còn khá nhiều DN cần tiếp tục giảm thêm giá cước. Một số DN trong số này đã cam kết giảm giá sau những động thái quyết liệt của Bộ Tài chính và Bộ GTVT. Tuy nhiên, việc DN sẽ thực hiện lời hứa này ra sao rất cần sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng. Dư luận đang chờ đợi những bước đi mạnh mẽ, quyết đoán của các ngành chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khi giá xăng dầu đang có xu hướng tiếp tục giảm mạnh.

Hơn 90% doanh nghiệp vận tải Hà Nội đã giảm giá cước

91/99 DN taxi tại Hà Nội đã thực hiện giảm giá cước với tỷ lệ DN taxi đã giảm giá là 97%. Đối với tuyến cố định 42/61 DN đã giảm giá cước, với tỷ lệ là 91%. Số DN chưa giảm giá còn lại là những nhà xe từ năm 2012 đến nay giữ ổn định, không tăng giá cước hoặc một vài nhà xe hoạt động nhỏ lẻ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm giá cước vận tải: Phải giám sát lời hứa của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.